Ngày đăng: 01/10/2009 - 23:04:04
Chiều 29/9, bão số 9 đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam với sức gió cấp 11, 12, giật cấp 13, cấp 14. Cơn bão mạnh, di chuyển nhanh đã tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng, nhà cửa địa bàn tỉnh.
Trước đó, tại khu vực âu thuyền Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên đã có 45 hộ dân không chịu di chuyển, nên đến 8 giờ sáng ngày 29/9 đã bị nước lũ bao quanh và bão đã quật ngã toàn bộ nhà cửa. Không thể chống chọi với bão lũ nê người dân đã gọi chính quyền cầu cứu.
Sau hơn 3 giờ đánh vật với gió bão và nước lũ dâng cao, hơn 100 chiến sĩ của bộ đội biên phòng và tỉnh đội Quảng Nam đã đưa được toàn bộ người dân ra khỏi vùng nguy hiểm vào lúc 11 giờ trưa.
Nhiều người dân vùng ven biển cho biết cơn bão số 9 này có nhiều dấu hiệu bất thường so với các cơn bão những năm trước. Người dân theo dõi và cho biết, trong cơn bão này, cường suất gió mạnh hơn, bão quần nhiều giờ, mạnh kèm và theo lũ lớn, xảy ra cùng thời điểm.
Theo báo cáo ban đầu, tính đến 19 giờ ngày 29/9, cả tỉnh Quảng Nam đã có 5 người thiệt mạng. Đó là trường hợp của ông Huỳnh Văn Cơ và vợ là bà Bùi Thị Thuỷ, trú quán tại xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành trên đường đi sơ tán bị nước lũ cuốn trôi.
Ông Nguyễn Văn Tám, trú quán tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, trong quá trình chằng chống nhà cửa bị điện giật chết. Anh Võ Văn Mai, sinh 1988 và Giang Mạnh Hùng, sinh 1992 cùng trú quán xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, đi qua cầu chìm Khe Tré, xã Quế Phong bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, còn có hàng chục người trong quá trình chằng chống nhà cửa, đi lại trong mưa bão đã bị thương.
Qua kiểm tra ban đầu, toàn tỉnh đã có 5.400 nhà dân và các công trình công cộng bị sập. Hơn 162.000 nhà dân và nhà sinh hoạt công cộng bị tốc mái, cùng 50.000 nhà dân bị ngập chìm trong nước. Hiện có khoảng 1.000 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn bị thu hoạch ở các khu vực trũng thấp bị ngập, thiệt hại trên 80%. Hơn 3.000 ha hoa màu bị ngập úng, hư hỏng; trên 1.000 ha ao nuôi trồng thuỷ sản (tôm và các nước ngọt) bị ngập nước và thiệt hại nặng.
Mưa lũ đã làm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở các địa phương vùng trũng thấp bị sạt lở, hư hỏng làm gián đoạn giao thông lên các huyện miền núi. Ngoài ra, do gió bão quá lớn làm ngã đỗ cây cối gây ách tắc giao thông nhiều tuyến đường trong tỉnh.
Trước, trong và sau bão, lãnh đạo tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác đối phó, khắc phục. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều động hơn 800 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang xuống giúp dân sửa chữa lại nhà cửa. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đã huy động tổng lực lực lượng thanh niên xung kích tại địa phương có kế hoạch sớm thu dọn vệ sinh, dọn dẹp cây cối bị ngã đổ trên các tuyến giao thông.
Ông Lê Minh Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra tại Quảng Nam trong hai ngày qua là quá lớn, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ cho Quảng Nam 5.000 tấn gạo, 100 tỷ đồng để giúp nhân dân sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Hiện tại, các huyện phía bắc Quảng Nam đang bị nước lũ cô lập. Thiệt hại về người và tài sản chắc chắn sẽ tăng lên từng giờ. Theo thông tin từ các huyện miền núi báo về, hiện mưa rất to đã xuất hiện lũ quét tại nhiều nơi.
Bão “quật” Quảng Ngãi tơi bời
Theo số liệu thống kê ban đầu, đến 16 giờ ngày 29/9, Quảng Ngãi đã có 3 người chết, 4 người mất tích do lũ cuốn trôi. Mưa bão đã làm chìm 43 chiếc tàu, trong đó huyện Lý Sơn có 30 tàu, Tư Nghĩa 4 tàu, Bình Sơn 11 tàu, 1 tàu vận tải 1.500 tấn của công ty Long Hải bị chìm tại khu vực cảng Dung Quất.
Mưa lũ đã làm sập trên 100 nhà, trên 5.000 nhà bị tốc mái, hư hại; hàng trăm hoa màu bị mất trắng. Hiện nhiều tuyến đường về các huyện bị cô lập do cây cối ngã đổ và sạt lở. Các huyện Trà Bồng, Tây Trà hầu như mất liên lạc hoàn toàn.
Hiện mực nước ở các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đang lên nhanh. Tính đến thời điểm này, vẫn còn trên 600 hộ dân ở thôn Thạch An, xã Bình Mỹ, thôn Mỹ Tân, xã Bình Dương và thôn Mỹ Lăng, xã Bình Minh bị cô lập hoàn toàn trong lũ.
Trong ngày 29/9, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương di dời được trên 1.600 hộ dân, trong đó các xã ven biển di dời được 682 hộ, huyện Trà Bồng di dời được 700 hộ, Sơn Hà di dời 200 hộ
Ngay trong chiều tối 29/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc họp khẩn để triển khắc phục lụt bão và triển khai công tác cứu hộ.
Theo đó, UBND tỉnh giao cho bộ đội biên phòng, công an huy động ca nô, bằng mọi giá phải đưa cho được trên 600 hộ dân bị ngập, cô lập vào nơi an toàn. Ngoài ra, các địa phương cũng triển khai huy động mọi lực lượng để giúp dân lợp lại nhà cửa bị tốc mái.
Trong chiều 29/9, quân khu 5 cũng đã huy động 3 ca nô vào giúp tỉnh Quảng Ngãi di dời dân bị cô lập đến nơi an toàn. UBND tỉnh trích kinh phí dự phòng 5-7 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp các địa phương bị thiệt hại.
Nguồn tin: VNN
- Skoda chính thức chào sân Việt Nam với bộ đôi Karoq và Kodiaq(24/09/2023 - 19:41:25)
- Cộng hòa Séc mong muốn hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực(23/05/2023 - 19:53:45)
- Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Czech ở khu vực(21/04/2023 - 00:00:00)
- Đại hội lần thứ II Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu(17/10/2022 - 19:55:29)
- Long trọng kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam tại Cộng hòa Séc(31/08/2022 - 19:37:22)
- ĐSQ Việt Nam tại Séc ghi bị chú nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới(03/08/2022 - 19:36:57)
- Việt Nam dự hội nghị Đối thoại cấp cao về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương(15/06/2022 - 19:50:59)
- Tình hình hỗ trợ sơ tán người Việt Nam từ Ukraine tại Séc và Slovakia(10/03/2022 - 19:49:44)
- Diễn đàn du học CH Séc 2022: Kết nối ước mơ - chinh phục tri thức cho sinh viên Việt Nam(28/02/2022 - 14:50:35)
- Ủy ban ASEAN tại Séc chung tay đồng hành chia sẻ khó khăn với xã hội(21/01/2022 - 09:33:26)