Tin mới
Tiến sỹ ngôn ngữ học Ivo Vasiljev “Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi”

Ngày đăng: 24/10/2009 - 08:04:51

Tiến tới kỷ niệm 60 năm, ngày Việt Nam và CH Séc thiết lập quan hệ Ngoại giao ( 2.2.1950 – 2.2.2010 ), nhận lời mời của Đài Truyền hình Séc, Bộ Thông tin và Truyền thông nước CHXHCN Việt Nam đã cử đoàn làm phim thuộc Trung tâm hợp tác Báo chí và Truyền thông Quốc tế do ông Ngô Anh Tuấn làm Trưởng đoàn sang CH Séc thực hiện phóng sự từ 4/10 đến 19/10/2009. Cùng với một loạt các phóng sự nói về quan hệ giữa hai dân tộc Séc – Việt và cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc. Đoàn cũng có dịp đến thăm và phỏng vấn Tiến sỹ ngôn ngữ Ivo Vasiljev.

Là một người có may mắn được nhiều lần gặp, nói chuyện, trao đổi và làm việc với ông, đến thăm Tiến sỹ Vasiljev lần này cùng các anh trong đoàn làm phim, tôi cảm thấy rất vui và xúc động, tình cảm giữa tôi và chú tự nó đến từ khi nào tôi không còn nhớ chính xác, nếu không nhầm thì từ những năm 80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi gặp ông tại Hotel Košík, khi ấy ông hay đến thăm anh em Việt Nam trong các đơn vị học sinh học nghề và công nhân hợp tác lao động, tôi còn nhớ trong một đám cưới của anh bạn tôi ông còn giải thích bằng tiếng Việt cho chúng tôi ý nghĩa và cách cắm hoa như thế nào? Tại sao ở bên này khi cắm hoa thì chỉ cắm một bông, hai bông, ba bông, năm bông… Có nghĩa là phải cắm lẻ, người ta kiêng cắm chẵn… mỗi loài hoa có màu sắc riêng và ý nghĩa của nó…, ngoài ra ông còn dạy chúng tôi cách ứng xử, giao tiếp và một số phong tục, tập quán của người Séc … Sau này khi công nghệ thông tin phát triển nhiều khi cần dịch văn bản, bí từ tiếng Tiệp tôi lại gọi điện hỏi ông, ông rất vui vẻ giải thích cho tôi, ngược lại cũng có lần cùng ăn trưa ông hỏi tôi: “ Hùng ơi! Tiếng Tiệp dopravní značky nghĩa tiếng Việt là gì ? Tôi nói ngay: Ký hiệu giao thông - ông nói : “ Ồ đơn giản thế mà chú không nghĩ ra! ”...

Trong công việc, những khi giao tiếp chính thức thì tôi gọi ông bằng ngài Tiến sỹ còn trong đời thường thì vợ chồng tôi gọi ông bằng chú, thực sự chúng tôi coi ông như một người chú, người cha, con gái tôi thì gọi bằng ông. Đã có nhiều bài báo cũng như các đoạn phim phóng sự nói về ông, tuy nhiên đối với tôi, cũng như đại đa số bà con và anh chị em trong cộng đồng luôn yêu mến và tôn trọng ông, chính vì lý do đó thôi thúc tôi một điều phải viết một đôi điều về ông.

Một ngày với Tiến sỹ Ivo Vasiljev

6h00 sáng Chủ Nhật 11/10/2009, chúng tôi xuất phát từ Praha đi České Budějovice nơi ông hiện đang sinh sống, trải qua quãng đường dài khoảng 150 km, thời tiết mùa thu ở Séc năm nay có phần lạnh hơn mọi năm, trời mưa xen lẫn sương mù, xe chạy hạn chế tốc độ nên cho mãi tới gần 9h00 chúng tôi mới tới nơi. Khi xe vừa dừng lại, chúng tôi đã thấy ông chờ sẵn ngoài phố để đón chúng tôi, thật cảm động đã lâu ngày mới gặp lại ông, tay bắt mặt mừng, ông đưa chúng tôi vào nhà. Hiện ông sống một mình trong căn hộ 2+1 gồm có hai phòng, một phòng ở, một phòng làm việc, bếp ăn và công trình phụ. Tôi hơi bị xúc động khi thấy tiện nghi sinh hoạt của ông khá đơn giản, ngoài chiếc bàn làm việc cùng chiếc computer, còn lại đồ đạc trong nhà chủ yếu là một dàn tủ tường chứa khá nhiều các loại sách phục vụ cho công việc nghiên cứu, trong đó có một dãy tủ riêng được sắp xếp rất ngăn nắp gồm các loại sách được xuất bản bằng tiếng Việt ( từ những cuốn từ điển Séc – Việt, từ điển Hán – Việt, đến sách Hán-Nôm và những cuốn sách quí khác như Truyện Kiều và đặc biệt là cuốn Nhật ký trong tù của Bác Hồ nguyên bản bằng tiếng Hán và tiếng Việt được ông rất nâng niu…).

Đến thăm ông lần này, chúng tôi hơi ngạc nhiên vì trong gia đình ông xuất hiện một cô bé người Việt. Ông cho biết cháu tên là Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân là cô con gái nuôi mà ông rất thương yêu cháu, ngược lại Hạnh Nhân cũng rất quí mến và thương bố Ivo. Hạnh Nhân là con nữ họa sỹ Huỳnh Thị Nhung - Hội viên Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, họ quen nhau từ năm 1997 khi ông tham gia trực tiếp công trình khai quật và nghiên cứu tàu cổ đắm tại vùng biển Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), vào một ngày mưa bão năm 1999, thành phố Hội An bị lụt, đoàn công tác phải ở lại đất liền không ra biển để làm nhiệm vụ được, lúc đó hai mẹ con Hạnh Nhân tham gia đoàn cứu trợ của thành phố Hội An Hạnh Nhân kể : “ Lúc ấy bố Ivo cùng muốn tham gia đoàn cứu trợ để giúp đỡ người dân thành phố Hội An nhưng không được chấp nhận nên bố phải ở lại Hotel, bố rất buồn sau giờ làm việc họ thường đến thăm bố Ivo, đưa ông đến thăm phòng tranh của mẹ Hạnh Nhân … Hạnh Nhân sang Séc đã được 4 năm, hiện là sinh viên năm thứ ba khoa thiết kế mỹ thuật tạo hình của Trường cao đẳng Mỹ thuật Gốm Bechyně cách thành phố České Budějovice 40 km, trong thời gian đầu sáng đi , tối về nhưng vì đường xa nên hiện tại cứ vào những ngày nghỉ cuối tuần thì Hạnh Nhân mới về ở với bố, còn những ngày làm việc thì ở lại ký túc xá, Hạnh Nhân nói thường ngày bố cũng đi công tác suốt, cuối tuần bố mới về…Những lúc rảnh rỗi, hai bố con thường đi dạo, lúc ở nhà Hạnh Nhân giúp bố dọn nhà, nấu các món ăn Việt Nam để hai bố con cùng ăn, ngoài ra bố dạy Hạnh Nhân một số từ chuyên môn bằng tiếng Séc và Hạnh Nhân cũng giải thích cho bố một số từ tiếng Việt mà đôi khi bố cần…”.

Hạnh Nhân năm nay 23 tuổi học rất giỏi, đang chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp song cô bé vẫn chưa chịu dừng ở đây, Hạnh Nhân cho biết sau khi tốt nghiệp cô sẽ trở về Việt Nam và học tiếp khoa đạo diễn tại một trường sân khấu điển ảnh ( tuy nhiên cô chưa tiết lộ trường nào).Khi được hỏi nếu Hạnh Nhân về Việt Nam còn bố Ivo thì sao ? Không cần phải suy nghĩ, cô trả lời ngay : “ thực ra đây là một vấn đề mà cô rất trăn trở, nếu về Việt Nam mà thiếu bố Ivo thì cô rất buồn, đã có lần cô muốn bố Ivo cùng về Việt Nam ở với cô vì hiện sức khỏe bố đã yếu cần có người chăm sóc, còn vấn đề quan trọng bố có đồng ý hay không ? Vì ở bên này bố cũng còn khá nhiều công việc phải làm…”.

Thật vô cùng cảm động khi chúng tôi được trò chuyện với chú Ivo và cô bé Hạnh Nhân!

Nguồn tin: Vietinfo


Xem tin theo ngày: