Tin mới
Ngày chủ nhật nóng nực

Ngày đăng: 13/12/2016 - 01:33:00

Ngày chủ nhật nóng nực
Zdeněk Svěrák – nhà soạn kịch, diễn viên, tác giả soạn thảo lời cho nhiều bài hát séc, đồng thời là tác giả của những câu chuyện cổ tích và ba bộ truyện ngắn mang tên Những truyện ngắn (Povídky), Những truyện ngắn mới (Nové povídky) và Bước chân trần trên ruộng rạ (Po strništi bos).
 
Ông sinh ngày 28.03.1936 tại Praha, Cộng hòa Séc. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn Séc, trường Đại học Sư phạm năm 1958 ông cùng người vợ tương lai đến dạy học tại Mecholupa, sau chuyển đến Zatce vùng Tây –bắc Séc. Bốn năm sau ông từ bỏ nghề sư phạm và bắt đầu làm việc cho đài phát thanh Tiệp Khắc (cũ). Tại đây ông trở thành một trong những tác giả của chương trình phát thanh Nealkoholicka vinarna u Pavouka. Ông quen biết nhà soạn nhạc Jaroslav Uhlir và cùng làm việc với ông ở đó.
 
Năm 1967 Nhà hát Jary Cimrmana được thành lập. Svěrák đã sáng tác vở kịch đầu tiên cho nhà hát mang tên Hành động và tiếp theo đó là mười ba vở kịch khác. Ông cũng diễn trong tất cả các vở kịch. Sau đó ông cùng Ladislav Smolijak đồng sáng tác kịch bản phim và đồng thời cùng xuất hiện trong phim như những diễn viên.
 
Trong những năm 80 của thế kỷ 20 ông thường cùng đạo diễn Vito Olmer đóng các vai trong phim. Đầu những năm 90 ông bắt đầu viết kịch bản phim cho con trai ông Jan quay như Trường làng (Obecná škola), Kolja, Thế giới màu xanh thẫm hay Những vỏ chai được trả lại (Tmavomodrý svět či Vratné láhve). Bộ phim Kolja đã dành được giải Oscar và những giải khác về phim không nói bằng tiếng Anh hay nhất năm 1996.
 
Từ năm 2011 ông là một trong những đại sứ dự án Hỗ trợ đọc sách, dự án này hỗ trợ việc đọc sách cho trẻ em đồng thời giúp đỡ từ thiện cho những người cần thiết.
 
Vì những đóng góp của mình ông đã nhận được nhiều giải thưởng cả trong và ngoài nước.
Những mẩu truyện được dịch sang tiếng Việt này được trích từ tác phẩm Những truyện ngắn của Zdeněk Svěrák.
 
Xin cảm ơn bà Olga Chojnacka, Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội, người đã tặng tôi cuốn sách này vào mùa hè năm 2016.
 
Ngày chủ nhật nóng nực
 
Cái nóng mà người ta mô tả dường như không bức bối như cái nóng thực tế. Buồng lái chiếc xe tải Avia giống như một cái lò nướng.  Đã gần nửa đêm. Tài xế Voi-chech Puklixa ngồi trong buồng lái với hai cửa sổ mở tung, không khí bên ngoài như màn đêm đang lên cơn sốt. Chỉ đến khi con đường nóng bỏng tiến dần vào cánh rừng, anh mới cảm nhận được làn gió mát lướt nhẹ qua cánh tay trái. Chẳng buồn uống thứ nước nóng rẫy từ chai nước, anh đang mong được về nhà để uống bia. Anh đang hình dung những chai bia mát lạnh dưới hầm kho đang chờ anh ở nhà, và bình minh đến, những vòm lá vàng hất bóng lấp loáng trên cổ anh.
 
Anh quay cổ mấy cái để không bị ngủ gật. Lần này anh đã có một tuần vất vả kéo dài cho tới ngày thứ bảy. Dân lái xe tư nhân ngày nay phải chạy xe ngang dọc đất nước như kẻ điên mới mong kiếm đủ sống. Không phải đêm nào cũng được ngủ. Lần này anh mất khá nhiều công sức ở Khomutov. Mặc dù tóc đã bắt đầu điểm bạc, song lúc nào Puklixa cũng có việc gì đó để làm, để đêm đến anh lại ngả mình xuống giường một mình. Trong một nhà nghỉ nghèo nàn ở Khomutov, nơi bốc mùi dưa bắp cải muối, anh lại không kiểm soát được bản thân. Hôm nay là ngày nghỉ thứ hai của cô phục vụ và khi anh đang chìm vào giấc ngủ lúc gần sáng, cô thì thầm bên tai anh: Đừng ngủ, tình yêu ơi. Một chàng đẹp trai như thế này lại ngủ sao.
 
Người lái xe quay vô lăng đánh xe sang phải, ánh đèn pha quét lên những ngôi nhà quen thuộc trong làng. Anh đi qua ngôi làng đang ngủ đến tận ngôi nhà của mình. Theo thói quen, anh lùi xe dưới cây bồ đề, quay chìa khóa tắt đèn, còi và uể oải tụt xuống khỏi ca bin. Đôi tai, hàng tiếng đồng hồ như bị dội bom bởi tiếng động cơ điezel và tiếng ầm ầm trên đường xa lộ, ngập trong sự tĩnh lặng thinh không.Anh nghe thấy tiếng chó sủa từ xa và tiếng rạn lách tách của những con lăn đang nguội lạnh.
 
Con chó của anh biết là không được sủa, vì thế nó chỉ kêu ư ử khe khẽ sau cánh cửa. Puklixa quỳ xuống bên con chó, hai tay vuốt nhẹ từ đầu đến đuôi nó.
 
“Ừ tao đây rồi, tao lại về đây rồi…” anh thì thầm nhìn vào mắt con vật.
 
Không khí ở đây thật nóng. Ống dẫn nước nằm trên đám cỏ, anh cởi trần và mở vòi nước. Nước, ban đầu còn nóng, dần dần trở nên mát lạnh, dòng nước mát lạnh từ giếng sâu chảy trên cơ thể đẫm mồ hôi của anh. Voi-chech hí lên như chú ngựa và sung sướng ngửa đầu lên trời, anh nhìn thấy bầu trời đầy sao sáng một cách không bình thường. Ngày mai trời sẽ lại không mưa.
 
Vêra béo thật. Puklixa uống bia thẳng từ chai, như thế anh thấy ngon hơn, anh vừa hút thuốc vừa ngắm nhìn vợ mình. Cô nằm thiu thiu trên chiếc đi-văng trước vô tuyến, trong tay còn cầm chiếc điều khiển. Có lẽ cô không còn sức để di chuyển vào phòng ngủ. Vẫn như mọi khi, cô nằm nghiêng bên phải, từ chiếc áo ngủ ngắn tay lộ rõ đôi vai trần trắng trẻo không bị bắt nắng và đôi cánh tay đầy thịt. Chiếc chăn đắp rơi xuống nền nhà, nên Puklixa nhìn thấy toàn bộ chân trái với bắp chân tuyệt đẹp, nhưng cái đùi lực lưỡng của cô. Ở cái làng này như vậy là bình thường. Khi người ta lấy vợ, thì chọn cô gái ưa nhìn, cân đối để mà ngắm nghía, nhưng mà khi anh đã cắn xé cô ta, rồi những đứa trẻ ra đời, dần dà cô ta biến thành một bà mẹ vạm vỡ lúc nào không hay. Ai cũng thế cả. Voi-chech đành lòng với điều đó.Vêra có khuôn mặt đẹp và bản tính tốt, đôi khi là quá tốt. Chắc chắn là hơn anh rất nhiều.
 
Uống hết chai thứ ba, anh ghé vào phòng bọn trẻ. Ở đó thật ngột ngạt, nên anh để hé cửa, gió nhẹ thoảng qua. Anh xoa lên trán mướt mồ hôi của Pavlinka và khi anh xoay người bé Voi-ta cho dễ thở hơn, thì nó nói: “Đạn đến rồi” và lại chìm vào giấc mơ.
Trong phòng ngủ, anh ngã xuống giường như một bao tải nặng. Lắng nghe một lúc tiếng dế kêu từ mảnh vườn, anh vẫn còn nhớ bọn trẻ gọi anh là con dế, rồi anh chìm vào giấc ngủ.
 
Trong bữa sáng, Vêra đã rủ mọi người đi hái quả việt quất. Puklixa không cho đó là ý hay, vì làm sao lại có việt quất trong cái nóng như thế này được, nhưng anh nghĩ đến không khí mát mẻ trong rừng. Cô nói tiếp: “Anh có thư ở bưu điện đấy. Họ không muốn đưa cho em, mà muốn đưa trực tiếp cho anh. Thư từ tòa án Kladno.”
 
“Tòa gửi à?”Puklixa nghi ngờ.
 
“Anh không gây ra tai nạn giao thông đấy chứ? Các con ơi! Trên tủ có mấy cái làn đấy, chúng ta đi thôi!” Vêrka  tổ chức chuyến đi.
 
Puklixa rất thích sự thay đổi này, khi mà suốt cả tuần ngồi xe tải ầm ĩ và lười nhác, nay lại được ngồi sau tay lái xe con. Mọi sự diễn ra êm đềm và nhẹ nhàng, chỉ cần nhấn chân ga và gia tốc tăng lên sẽ ấn bạn vào lưng ghế. Lần này khoái cảm đó không xuất hiện. Anh chở cả nhà đến cánh rừng phía chân trời, anh nhìn xuống đường nhựa đang bị mềm dần vì nóng, có con dòi đang gặm nhấm trong đầu anh và càng gặm nhấm lâu, nó càng to ra.
 
“Voi-ta, anh có nghe không đấy?” Vêra véo vào chân anh. “Anh chở những cái ống này cho họ.”
 
“Không, các con. Bố chưa đến Hôrice, Bây giờ bố mới đi đến đó.” Puklixa nói.
 
Lát sau Vêra kể gì đó về nhà ăn của trường, nơi cô nấu ăn. Rằng mọi người đã phải đổ đi cả một nồi xúp, vì cô đã nêm muối hai lần, nhưng Voi-tech không để ý lắm.
 
“Họ đã ăn hết à?” anh hỏi.
 
“Em đã nói với anh là chúng em đã đổ hết cả nồi. Bố bị mệt rồi, chắng nghe chúng ta nói gì cả” Vêra thở dài.
 
Anh dừng xe dưới chân ngọn đồi, mà mọi người gọi là đồi việt quất và cho xe vào bóng mát. Vợ và các con chạy lên trước. Bé Voi-ta ném quả thông vào chị Pavlina và Vêra la hét nó.
 
Puklixa hít sâu không khí trong rừng và cầm cái làn trong tay anh bước theo sau họ.
Con dòi trong đầu anh gậm nhấm thức ăn không biết mệt:
 
Buổi tối. Thành phố Kladno. Màu bánh mật. Một cô gái nhỏ nhắn tên Ursula đặt chai rượu vang đỏ lên bàn. Puklixa xoáy cái mở nút chai vào nút và Ursula nói gì đó như là đi mua bánh mỳ:
 
“Em ở Jinach. Anh sẽ phải lấy em.”
 
Voi-chech muốn dùng bàn tay ấn vào cái mở nút để cho cái nút bấc tuột nhẹ vào trong rồi kéo ra, nhưng khi nghe cô nói vậy, tay anh trở nên bất động.
 
“Này, mở đi chứ” cô giục anh và nói thêm: “Cẩn thận, chờ đượcmà, phải không?”
 
Cô nói cụt lủn. Không giống như Vêrka nói giọng vùng Morava dễ nghe. Có lẽ cái kiểu ăn nói cục cằn thô lỗ của cô đã khiêu khích anh mạnh mẽ. Họ đã làm quen với nhau, khi anh đưa cô về nhà riêng. Cô ngồi trên ghế dành cho phụ lái và suốt dọc đường từ Kourimi đến Kladno cô chỉ mải nhìn anh. Bất kỳ lúc nào anh quay sang cô đều bắt gặp đôi mắt cô thiêu đốt anh. Đến lúc không đừng được, anh hỏi:
 
“Sao cô không nhìn phong cảnh?”
 
“Em thèm vào phong cảnh.” Cô nói và tiếp tục nhìn chằm chằm. Khi anh lắp xong cho cô chiếc giường ở tầng thứ tám ngôi nhà tháp, họ liền ngủ trên chiếc giường đó như một lẽ tự nhiên là họ đến đây chỉ vì điều đó. Voi-chech chưa từng biết đến giấc ngủ như vậy bao giờ. Điều chắc chắn là Ursula sinh ra là để làm cái việc đó. Và những lời nói, mà cô thốt ra trong lúc đó, anh chưa từng nghe thấy. Cô cắn anh vì rằng anh đã đến Kladno từ nơi xa như vậy.
 
Puklixa ngồi xổm và bắt đầu hái việt quất, những quả việt quất nhỏ như những viên đạn chì. Khi đã hái được một ít phủ đáy làn, anh ngồi lên một gốc cây châm điếu thuốc.
 
“Đừng hút, dưới cái nóng này mọi thứ đêu khô khốc.” Vêrka gọi anh.
 
Voi-chech khoát tay, nhưng anh vẫn dụi điếu thuốc vào gốc cây đã mục, dù sao anh cũng không thấy thèm thuốc. Anh cảm thấy uể oải, mặt trời thiêu đốt, hình như nó ở gần mặt đất hơn mọi khi.
 
“Mẹ ơi, việt quất ở đây to hơn này! Lại đây đi!” anh nghe thấy Pavlina gọi.
 
Puklixa ngả mình xuống đám cỏ khô như đống bùi nhùi và quan sát tán cây việt quất.
“Ngày nay họ có cách làm mới, là họ chỉ cần hút nó ra cho em” Anh nói với Ursula.
 
Anh yêu, anh không rũ được chuyện này đâu.” Nếu anh không cưới em, anh sẽ phải trả giá,” cô đáp lời anh. “Anh sẽ có trát từ tòa án.”
 
“Hóa ra bố đang trốn chúng mình ở đây!” giọng Vêrka vang lên phía trên, rồi cô đặt tấm thân nặng nề của mình xuống cạnh anh. “Bọn trẻ đi xa rồi.” Cô thì thầm bên tai anh và hôn anh bằng đôi môi tím ngắt vì quả việt quất.
 
“Anh nóng lắm.” Anh nói.
 
Cô nằm nghiêng sát bên và cù anh bằng cọng cỏ.
 
“Nước giếng của một số nhà đã bị cạn. Ông già Lysixky nói là chưa từng thấy trời nóng như thế này.”
 
Vêrka có giọng nói dịu dàng, dễ thương. Ôi, em thật tốt bụng, giá mà em biết được điều mà em không biết, Voi-chech thầm nhủ, và tự nhiên anh muốn bật khóc.
 
“Chúng ta chỉ cần hái đủ để làm bánh, việt quất bé quá.” Cô nói và đứng lên.
 
Trên đường về nhà, nhựa đường dính vào bánh xe kêu lép bép.
 
Bọn trẻ nài nỉ muốn tắm, nên mọi người rẽ đến hồ cá. Đã có một chiếc xe con đỗ ở đó, chiếc Fiat 500 cũ, một người phụ nữ đang tắm dưới hồ. Puklixa tái mặt. Là Ursula. Người phụ nữ nhỏ nhắn, da rám nắng bước lên khỏi hồ nước, may quá không phải Ursula.
 
Anh cùng Vêra ngồi dưới gốc cây gỗ trăn xem bọn trẻ té nước vào nhau.
 
“Anh chạy xe nhiều quá. Đừng làm cật lực như vậy nữa, anh đã kiếm được kha khá tiền rồi.” Cô xoa lên cổ anh. Puklixa chợt nghĩ, cần bao nhiêu tiền cho lũ trẻ. Và anh lại nghĩ tiếp, liệu có giấu chuyện này được mãi không. Không thể. Ngày mai khi anh đi bưu điện về thế nào Vêra cũng sẽ tò mò, xem tòa án viết gì cho anh.
 
Cả hai đứa trẻ đều đã biết bơi, nhưng  bé Voi-ta bơi chậm giống như Puklixa hồi còn nhỏ và suýt bị chết đuối trong cái hồ này.
 
‘Voi-ta ơi, quay lại, ở đó sâu lắm.” Vêrka gọi với theo con trai, cậu bé nâng cằm lên khỏi mặt nước bơi ngược vào bờ.
 
Buổi sáng hôm đó thật dài. Dì Drabkova lắc lư như con vịt đến đây ngồi trên chiếc ghế dài trong bóng râm của ngôi nhà kể về chuyện hạn hán. Rằng sẽ chẳng còn mùa màng. Rằng rừng bị cháy, lính cứu hỏa cả huyện đổ xô đi dập lửa. Rằng sau những ngày nóng bức như thế này thế nào cũng sẽ có bão, lụt.
 
Những vỏ chai bia nằm lăn lóc dưới chân Puklixa.
 
Anh chợt nghĩ, không biết đó là con gái hay con trai nhỉ. Kể từ khi Ursula cho anh biết điều đó, anh đã không còn đến với cô nữa. Anh nhẩm tính, đã mấy tháng rồi. Đã tám tháng. Đáng tiếc là thật trùng khớp. Vêrka xoa đầu gối anh.
 
Tiếng còi ụ xe cứu thương vọng đến từ phía làng.
 
“Trời nóng như thế này rất nguy hiểm đối với người già cả.” dì nói và mọi người lại xoay sang chuyện xe cứu thương đến để chở ai. Bọn trẻ chạy đi tìm hiểu.
 
Puklixa cầu mong xe đến đưa anh đi bệnh viện, nơi đó họ sẽ thay cho anh cái đầu khác, không có con dòi háu ăn, luôn tìm thấy những món ăn béo bở mới. Giờ anh lại nghĩ đến chuyện kiểm tra máu. Liệu có nên thử không, hay là thẳng thừng công nhận, anh chính là bố nó.
 
“Dì có cảm giác là Voi-ta đang mơ màng gì đó.” dì lưu ý.
 
“Chắc anh ấy mệt.” Vêrka nói.
 
Khi dì đi khỏi, Puklixa nhận định, thứ duy nhất có thể giúp được anh là rượu Slibovice. Anh có thứ ngon tuyệt được làm từ những quả mận nhà. Nó chảy vào phủ lục ngũ tạng anh giống như một sức mạnh giải thoát, thân thiện. Thế mà trước đó anh đã không nhớ ra nó.
 
Bọn trẻ đã quay lại cùng với thông tin, là người ta đến chở lão già Lyxisky đi, và lão vẫn chưa chết.
 
Vêrka cho bọn trẻ đi ngủ, cô tắm táp và mặc chiếc váy ngủ nhẹ có viền đăng ten trong suốt. Bôi nước hoa Miracle sau vành tai, nước hoa này Voi-ta đã tặng trong dịp Noen,và đi ra từ nhà tắm.
 
Puklixa dốc ngược vào cổ họng thêm một cốc nữa.
 
Khi nhìn thấy vợ, vẻ đẹp và lòng tốt của cô làm anh xúc động, anh thấy mình là đồ súc sinh. Nước mắt anh trào ra.
 
“Anh làm sao thế?” cô ngồi xích lại bên anh phía đầu giường. “Anh đang bị say mà!”
“Ừ.” Puklixa nói và bỗng nhiên nhận ra rằng, chỉ có nói ra thì mới giúp được anh. Thế là sự thật như thế nào, anh kể ra như thế, và nỗi sợ hãi bỗng được chia sẻ. Anh cầm tay vợ, nói:
 
“Ở Kladno anh đã bập vào một con mụ. Anh sẽ phải cấp tiền nuôi con.”
 
Nhờ thế anh đã truyền được con dòi ghê tởm đó sang cho cô.
 
Gương mặt đẹp, mịn màng của cô bất động mất mấy giây và có vẻ như nó chuyển thành nụ cười, giống như nửa cười nửa khóc, sau đó thì quằn quại thành chiếc mặt nạ thất vọng, nhăn nhó đầy bất hạnh. Cô gục xuống gối, lấy chiếc gối trùm lên đầu, cô nghẹn ngào khóc. Khi đã khóc đẫm hai chiếc gối và những chú gà trống đầu tiên báo hiệu đêm nóng khủng khiếp đã qua, cả hai ngủ thiếp vì mệt.
 
Việc đi ra bưu điện đối với Puklixa không còn khó khăn nữa. Điều tệ nhất anh đã vượt qua. Anh ký tên, nhận thư và đọc nó ngay trên vỉa hè trước bưu điện. Thư đến từ Kladno. Nhưng không phải của tòa án, mà là của công an. Trong thư viết: Chúng tôi xin thông báo cho ông được biết, rằng việc truy tìm bánh xe bị mất cắp của ông đã không có kết quả.
 
Người dịch: Đào Thị Hoa
 

Xem tin theo ngày: