Tin mới
Ông chủ Việt - đối thủ của McDonald ở Séc?

Ngày đăng: 04/02/2010 - 14:17:37

Chuỗi nhà hàng Panda được lưu ý trong danh sách những địa chỉ cần tìm tới trước khi sang một số nước Đông Âu. Mặc dù thông tin về chủ từng cửa hàng là vấn đề cần bàn đến về sự chính xác, nhưng dù sao đây cũng là một mô hình tốt để cộng đồng chúng ta suy ngẫm...

Không đụng hàng

Đến Brno, thành phố lớn thứ hai sau Praha ở Czech, tôi hay ra chợ Olomoská 16 để tìm hiểu công việc làm ăn buôn bán của người Việt. Trong cái quán phở Hà Nội bé tí lúc nào cũng tấp nập thực khách, tôi thường bắt gặp một người đàn ông trung niên đến uống bia, trò chuyện rôm rả. Bộ dạng của anh giống một ông chủ sạp quần áo những ngày vắng khách. Anh Hùng, chủ quán phở người gốc Hà Nội ghé tai: “Ông chủ chuỗi nhà hàng Panda đấy”.

Panda? Cái tên nghe quen. Thương hiệu này cùng với tên ông chủ đã được TS Hoàng Xuân Bình – Chủ tịch tập đoàn ASG ở Ba Lan lưu ý trong danh sách những địa chỉ cần tìm tới trước khi sang một số nước Đông Âu tìm hiểu công việc làm ăn của bà con Việt Kiều những ngày cuối năm.

Trên chuyến tàu đêm từ Đức sang , tôi gặp một đồng hương Việt Nam. Trong câu chuyện giữa đêm đông lạnh giá xứ người, Minh, chàng trai 21 tuổi quê Nam Trực, Nam Định kể về tập đoàn Panda, nơi anh đang làm việc. Minh sang Czech từ năm 2007 theo diện kinh doanh, bắt đầu bằng nghề phụ bếp cho nhà hàng Việt ở Praha. Kinh tế khó khăn cũng là lúc hàng nghìn người Việt mất việc làm ở các nhà máy trên khắp nước Czech đổ về Praha tìm việc. Khó khăn quá, ông chủ đành sa thải bớt nhân viên. Minh cũng nằm trong số nhân viên bị sa thải đó. Thất nghiệp, Minh tìm về Brno và xin vào làm việc tại một nhà hàng của Panda.

... Năm 1985, Lê Quốc Quân, ông chủ chuỗi nhà hàng Panda, lúc đó đang là Phó Bí thư Đoàn phường Minh Khai (Hà Nội) trúng tuyển đi học nghề ở Tiệp Khắc. Sang thành phố Brno, anh được bố trí học nghề cắt gọt kim loại ở První Pneská, nhà máy công nghiệp nặng lớn nhất thành phố. Tốt nghiệp sau ba năm rưỡi học nghề, anh được giữ lại nhà máy làm công nhân tiện. Năm 1991, khi Tiệp Khắc đã chia tách thành CH Czech và Slovakia, anh Quân thành lập công ty chuyên buôn bán đồ điện tử gia dụng. Hàng tháng, anh sang Đài Loan nhập hàng về bán lại cho các cửa hàng điện tử của người Việt ở Brno. Hồi đó, hàng điện tử gia dụng ở Đông Âu vẫn rất hiếm trên thị trường nên nhập bao nhiêu TV, đài cassette, amply... đều bán hết ngay.

Công việc làm ăn thuận lợi cho đến tận năm 1995, anh quyết định chuyển sang lĩnh vực kinh doanh ăn uống. “Hồi đó, hàng điện tử vẫn bán tốt, lại là thời hoàng kim của hàng quần áo. Mọi người đổ xô đi đánh hàng may mặc. Nhưng tôi nghĩ mình cần đi hướng khác”-Lê Quốc Quân bộc bạch.

Ban đầu, anh và người bạn từ Đức sang cùng nhau mở nhà hàng ăn nhanh ở đường ngầm nhà ga thành phố. Những năm đầu thập niên  90, người Czech bắt đầu mới làm quen với phong cách ăn nhanh của phương Tây nên nhà hàng ăn nhanh Orient của anh lúc nào cũng nườm nượp khách.

Ăn theo siêu thị

Công việc kinh doanh thuận lợi, anh và người bạn đặt kế hoạch mở một chuỗi nhà hàng ăn nhanh kiểu McDonald lúc đó còn khá xa lạ với người bản xứ.

Dịp may đến vào năm 1999, Tập đoàn Olympia khai trương siêu thị đầu tiên tại thành phố và cũng là một trong những đại siêu thị đầu tiên tại thành phố và cũng là một trong những đại siêu thị đầu tiên trên đất Czech, lấy tên là Olympia Brno. Anh liền đàm phán để giành đất mở nhà hàng trong khu buôn bán sầm uất này. “Là nơi tập trung đông người nên siêu thị là nơi chúng tôi ưu tiên để mở nhà hàng. Khi đã có chỗ đứng trong một siêu thị lớn rồi, việc tìm kiếm địa điểm trong các siêu thị khác sẽ rất thuận lợi” – Anh Quân tâm sự.

Thương hiệu Panda (gấu trúc) ra đời khi anh đặt tên cho nhà hàng đầu tiên trong siêu thị này. Từ đó, Olympia mở siêu thị ở đâu là anh có nhà hàng ở đó.

Có chỗ đứng vững chắc trong Olympia cũng là lúc tập đoàn Tesco của Anh nhảy vào thị trường Czech ở các trung tâm buôn bán lớn. “Mua chỗ mở nhà hàng ở các siêu thị Tesco khá đơn giản vì tôi đã có chỗ đứng ở Olympia. Lúc này, ngay cả người Czech cũng rất khó cạnh tranh với chúng tôi” – Ông chủ thương hiệu Panda cười sảng khoái.

Ăn theo siêu thị, đến nay Lê Quốc Quân đã có một chuỗi khoảng 30 nhà hàng ăn nhanh. Với lợi thế xuất hiện ở hầu khắp các trung tâm buôn bán lớn trên toàn quốc, thương hiệu Panda của anh được đánh giá là chỉ đứng sau McDonald. “Điều tôi rất tự hào là chuỗi nhà hàng tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động, trong đó phần lớn là lao động Việt trẻ sang đây theo diện kinh doanh” – Lê Quốc Quân kể.

Tính bình quân, công nhân làm việc ở Panda có mức thu nhập thấp nhất 18.000 koruna/tháng (khoảng 1.000 USD) và cao nhất gần 40.000 koruna/tháng (khoảng 2.000 USD).

“Điều gì làm nên thành công của Panda?”-Tôi hỏi Lê Quốc Quân. “Đồ ăn nhanh Panda được người Czech rất ưa chuộng bởi 1/3 là đồ ăn Việt. Giá cả lại rất phải chăng, chỉ cần khoảng 50 koruna (50.000 đồng) là có thể ăn uống trong Panda rồi” – Anh thủng thẳng trả lời. “Thế anh có định mang thương hiệu sang các nước lân cận Czech không?”. “Tesco đã mời chúng tôi mở rộng kinh doanh sang Đức và Ba Lan. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch” – Ông chủ thương hiệu Panda trả lời trước khi chia tay tôi lên xe đảo...


Nguồn tin: Vietinfo


Xem tin theo ngày: