Tin mới
Người đầu tiên xây trường dạy tiếng Việt tại Cộng hoà Séc

Ngày đăng: 22/08/2010 - 15:18:14

Là 1 trong 16 cổ đông lớn nhất của Trung tâm thương mại Sapa, đồng thời là người có công rất lớn trong việc xây dựng những thương hiệu nông sản của Việt Nam ở Cộng hoà Séc. Đó là ông Vũ Xuân Thu, Giám đốc doanh nghiệp Thu Cúc, còn được cộng đồng người Việt ở nước ngoài biết đến là người đầu tiên xây dựng trường dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở Cộng hoà Séc.

Tiếng Việt có nghĩa nguồn cội

Nếu nói lý do tại sao tôi lại có ý tưởng xây dựng một trường dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào, đơn giản lắm, ông Thu cho biết, trong một chuyến đưa các con về thăm quê hương, họ hàng, bạn bè đến đón mừng, ông bà nội, ngoại chỉ muốn cháu mình chào bằng một câu tiếng Việt, thế nhưng những đứa con của tôi không làm được điều tưởng chừng như đơn giản ấy. Mẹ tôi buồn suốt một tuần. Không nói được tiếng mẹ đẻ, có nghĩa là đã “mất gốc”. Ông Thu tự nhủ, phải chăng mình đã quá mải mê với công việc? “Dù có đi 4 phương trời thì mình vẫn là người Việt”, ánh mắt buồn thăm thẳm của mẹ tôi, đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Nhưng nếu chỉ con mình biết tiếng Việt, chúng không được giao tiếp với ai, nghĩa là sự học coi như bằng không. Vì vậy, tôi quyết định mở trường học cho con em Việt giữa lòng nước Séc.

Quá nhiều gian khó mới có nơi được gọi là trường, mà theo ông Thu đến giờ vẫn chỉ được gọi là Trung tâm đào tạo tiếng Việt. Tuy nhiên, từ cơ sở ban đầu chỉ có số lượng 3-4 học sinh, đến nay đã có cả trăm em đến học đã là một thành công. Ông cho biết, để thuyết phục cho con em kiều bào học tiếng Việt không phải chuyện dễ. Bằng rất nhiều hình thức, tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí ông phải bỏ cả ngày trời để thuyết phục một gia đình Việt kiều đến học tiếng Việt. Tất nhiên, từ lúc thành lập (năm 2003) đến nay, khoản kinh phí để duy trì công việc dạy và học là do anh và một số doanh nghiệp Việt tại Séc phải tự lo phần kinh phí.

Ông tâm sự, mình được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đến bây giờ dù sống ở nước ngoài, nhưng mình vẫn là người Việt Nam. Vì vậy ông luôn tâm niệm uống nước thì phải nhớ nguồn.

Tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”

Không dừng lại ở việc có một chỗ cho kiều bào tại Séc học tiếng Việt, ông còn trở về Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Ông cho biết: Tôi đã tìm cho mình một hướng kinh doanh hoàn toàn khác, đó là đào tạo tất cả những học sinh trượt PTTH, không có trường nào nhận (trừ học sinh có hạnh kiểm trung bình). Phải rất vất vả với những học sinh hổng về kiến thức 3-4 năm trời quả là điều khó khăn. Đến giáo trình và phương pháp giảng dạy cho các học trò này cũng khác thường. Rất nhiều cháu sáng học giáo trình lớp 10, nhưng buổi chiều phải đi bổ túc kiến thức lớp 5, lớp 6. Tuy nhiên tôi rất may mắn khi có được những cộng sự, cũng như đội ngũ giáo viên nhiệt tình, sẵn sàng đem lại kiến thức cho học sinh.

Có đôi khi thấy khó khăn quá, nghĩ rằng mình đầu tư vào thị trường này quá mạo hiểm và nhọc nhằn, nhưng thấy được niềm vui của nhiều phụ huynh khi thấy con em mình tiến bộ, tôi thấy rất vui. “Có thể ngay lúc này, hoặc 5, 10 năm nữa sự nghiệp kinh doanh của tôi sẽ không có lãi, nhưng hiệu quả của công cuộc “trồng người” không thể đem ra so sánh với hiệu quả kinh tế”. Tôi cho rằng, tạo dựng nền tảng kiến thức vững chắc cho thế hệ tương lai, đó mới là hiệu quả đầu tư cao nhất, và nguồn vốn mà mình đầu tư đã được sử dụng đúng mục đích.

Tâm huyết lớn nhất của ông sẽ đào tạo kĩ năng nghề cho học sinh ngay tại hai trường PTTH (ở Hưng Yên, Thái Bình). Nếu đem lại kết quả cao, ông và một số cộng sự của mình, sẽ hỗ trợ việc làm cho những cháu có tay nghề ở Việt Nam cũng như nước ngoài, thậm chí người lao động có thể đến làm việc ngay tại một số cơ sở của anh tại Cộng hoà Séc.


Nguồn tin: Đại đoàn kết


Xem tin theo ngày: