Tin mới
Tiểu thuyết NGỌT NGÀO VỊ ĐẮNG: Chương Ba

Ngày đăng: 23/10/2011 - 07:43:08

Tác phẩm được giải thưởng của Nhà Xuất bản Thanh niên


BA

Những ngày hè ở trại trôi đi quá mau. Tất cả đều tốt đẹp và thành công như dự kiến. Nhân một tối nhàn rỗi, Văn quyết định tìm đến nhà Alena. Đứng trước cửa nhà, Văn cảm thấy hơi ngần ngại. Ngôi nhà hai tầng xinh xắn, trước cửa nở đầy hoa hồng. Đây là một thị trấn nhỏ nên nhà ai cũng rộng rãi thoải mái, kết cấu theo kiểu biệt thự. Người Tiệp rất chú ý xây dựng nhà ở, họ coi đó là một việc quan trọng trong cuộc đời. Những căn nhà có khi được xây dựng hàng năm trời. Do đặc điểm mùa đông lạnh lẽo, nhất là vùng núi cao, nên nhà bao giờ cũng phải chắn chắn, tường dày, nhiểu lớp cửa, hệ thống lò sưởi bằng nước nóng, bếp đun bằng hơi, có nhà để xe…

Thật tình, những ngày qua, Văn quá bận công việc. Những khi rãnh rỗi, anh tự bảo mình phải dành thì giờ tới thăm Alena. Chắc hẳn nàng đang mong anh tới… Sau khi tiếng chuông dứt, Văn đã phải ngỡ ngàng khi cánh cửa mỡ và Alena với bộ đồ lễ trắng tinh hiện ra. Nàng rực rỡ như một công chúa trong chuyện cổ tích. Nhận ra Văn, Alena reo lên sung sướng:

- Anh Văn! Vào đây đi anh! không hiểu sao lúc ấy Văn cảm thấy lúng túng. Sau này, mỗi khi nhớ lại, Văn cũng không hiểu tại sao ngày thường Văn dạn dĩ là thế mà lúc ấy Văn như không tìm ra lời để nói. Câu đầu tiên sau những ngày không gặp nhau lại là một câu chiếu lệ, sáo rỗng:

- Alena đang chuẩn bị đi đâu mà mặc đẹp thế?

- Alena sắp đi dạ hội đây, Văn có đi cùng không?

Rồi không chờ chàng trả lời, Alena kéo tay Văn vào nhà. Văn ngạc nhiên trước sự bài trí của phòng khách. Nền nhà được trải thảm màu tro nhạt, một chiếc bàn hình ô van lớn xung quanh có những chiếc ghế được bao bọc nhung xanh, trên tường treo rất nhiều đầu hươu với những chiếc sừng đồ sộ. Mẹ và em trai của Alena đang ở trong phòng khách. Bà mẹ vui vẻ trước khách quí của con gái:

- Em nó cứ đợi anh mãi, đi chơi đâu cũng sợ anh đến mà không có nhà. Cũng may tối nay nó còn dùng dằng son phấn nên chưa đi đấy. Thế anh ở đây chơi lâu không?

Văn vui vẻ:

- Thưa bác, cháu chỉ ở đây đến 10 giờ rồi phải quay lai Poprad.

Alena đang bưng tách cà phê trong bếp ra nghe vậy, cô kêu lên:

- Anh làm gì mà phải ở Poprad, đến đây thì phải chơi ở đây chứ, ai cho anh về.
Văn giải thích:

- Alena ạ, Văn đang làm phiên dịch cho đoàn thiếu nhi Việt Nam tham dự trại hè quốc tế, bận lắm chưa thể ở chơi đây được.

Alena quay đi, nuốt tiếng thở dài. Bỗng có tiếng chuông reo ngoài cửa, các bạn của cô tới:

- Alena, sao đằng ấy chậm thế? Chúng tớ đợi mãi, đi mau kẻo muộn rồi.

- Tôi là Văn. Rất vinh dự được làm quen với các bạn!

Một cô gái tinh nghịch cười, nhắc lại:

- Văn à? Tên dễ thương quá! Thế anh Văn có đi dự tiệc dạ hội cùng bọn này không?

- Xin lỗi, hôm nay tôi bận nên không đi được.

- Thôi các bạn đi đi, tối nay mình không đi được.

Một cô bạn dẩu môi:

- Biết ngay mà! Đi thế nào được!

Văn thấy khó xử. Và không muốn vì mình mà Alena mất lòng bạn bè, anh nói:

- Alena đừng ngại, Alena cứ đi dự dạ hội đi. Tôi sẽ nói chuyện với bác và Pavel. Lúc khác chúng mình sẽ nói chuyện với nhau.

Một cô bạn khẽ thì thào với Alena:

- Đằng ấy không đi thì khối chàng trai phải thất vọng.

Đôi hàng mi cong của Alena khẽ nhướn lên:

- Anh Văn không đi thì mình cũng không đi.

Khi các bạn đã đi hết, Văn quay sang nói chuyện với mẹ Alena:

- Thưa bác, bác trai đi đâu mà không thấy có nhà ạ?

- Ông ấy đi làm mãi ở Kosice, tuần mới về một lần.

Bà xởi lởi kể hết chuyện nhà, chuyện cửa cho Văn nghe. Không giấu điều gì, cứ như Văn là con cái trong nhà, vừa đi xa về. Alena hết nhìn mẹ lại nhìn Văn, thỉnh thoảng xen vào một câu cho có lệ.

Một lúc sau, Alena xin phép mẹ dẫn Văn vào xem phòng của mình. Lúc đầu, Văn hơi ngần ngại. Alena phải kéo tay anh đi. Bàn tay nhỏ nhắn, ấm nóng truyền sang Văn một cảm giác là lạ. Vừa gần gũi, vừa tin cậy. Và thế là Văn bước theo Alena.

Căn phòng không lớn lắm, nhưng được trưng bày đẹp đẽ, từ chú gấu đen đến cô búp bê trong tủ kính đều như tô thêm vẻ đẹp lộng lẫy của cô chủ. Mùi thơm phảng phất trong phòng khiến Văn không biết từ đâu. Họ ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn con. Văn thấy Alena thật đẹp, nàng kỳ diệu hơn cả những điều anh từng tưởng tượng về nàng. Chiếc mũi cao thanh tú. Hai hàng mi cong vút. Đôi môi lúc nào cũng đỏ như son. Suối tóc vàng rực. Đôi mắt nàng xanh ngắt như mặt nước hồ thu. Văn muốn nhìn thật lâu để khám phá hết những bí mật ẩn chứa trong tâm hồn người con gái ấy. Anh tự mâu thuẫn với mình: muốn ngắm thật kỹ Alena và muốn giữ phép lịch sự trước người con gái. Tự anh phải giải trong tích tắc bài toán có hai ẩn số này. Và Văn chỉ có thể chọn một trong hai. Cuối cùng, anh phá tan bầu không khí im lặng:

- Alena làm gì trong mấy ngày qua…?

Giọng Alena buồn xa xăm:

- Chằng làm gì cả. Những ngày hè thật đẹp, nhưng buồn Văn ạ.

Văn vô tình:

-Việc gì mà “công chúa tóc vàng” phải buồn?

Không hiểu vì sao lúc đó Văn lại gọi Alena là công chúa tóc vàng, điều mà Văn không bao giờ gọi. Alena cảm thấy êm ái trong lòng:

- Alena nghĩ Văn không nên hỏi điều đó mới phải chứ. Văn phải biết có những đêm Alena không ngủ trọn giấc. Alena thích một ngôi sao hạnh phúc đến với mình trong giấc mơ. Người ta bảo Alena là hoa hồng có gai, nhưng tấm lòng của Alena cũng như tấm lòng của những người con gái khác thôi. Alena cũng như bao con người bình thường khác muốn đi khắp các nẻo đường, chờ đợi một hạnh phúc đến với mình.

Văn chợt hiểu, anh đã mơ hồ linh cảm rằng giữa anh và Alena đã có một điều gì đó rất mơ hồ, rất mong manh nhưng lại là mầm móng của một điều có thật. Anh như muốn kêu lên: “Alena, em đừng nói nữa, anh hiểu em muốn nói gì rồi”. Song anh vẫn im lặng. Một sự im lặng lừa dối chính mình. Thâm tâm, anh muốn nói với Alena thì quá ngây thơ, cứ tưởng điều mình nói vẫn xa vời với Văn. Nàng tiếp lời:

- Cuộc đời thật trớ trêu, người này theo đuổi hình bóng của người khác, trong khi chính người kia cũng đang nuôi trong lòng một hình ảnh.

Văn giật mình khi anh thấy tay Alena đã nằm trong tay mình lúc nào. Cử chỉ ấy diễn ra một cách tự nhiên, như một sự sắp đặt. Như hai dòng máu chảy vào nhau, như hai dòng nước hòa vào nhau, Văn thấy như một liều thuốc mê đang ngấm dần. Anh để yên bàn tay mềm mại ấy trong tay mình, không dám động cựa, sợ giây phút hạnh phúc ấy biến tan đi. Alena hơi cúi đầu, tóc xõa che khuất khuôn mặt bầu bĩnh. Không gian như đông lại. Hai người nghe được tiếng tim của nhau đang đập rộn ràng. Một lúc sau, Văn nâng bàn tay Alena ngang tầm mắt mình và nhận ra tay nàng có đeo một chiếc nhẫn. Văn:

- Ôi, Alena mới có nhẫn của ai tặng mà đẹp thế?

Alena đáp lời:

- Của một người bạn tặng đấy.

Văn vờ ngây thơ:

- Sao Alena không đeo vào ngón tay trỏ.

Alena cũng không kém:

- Alena chờ bao giờ Văn tặng thì sẽ đeo vào đó. Văn có thích vậy không?

Văn bước ra phía cửa sổ chỉ lên bầu trời, mơ màng như một thi sĩ:

- Văn sẽ lấy ngôi sao của trời kết lại thành chiếc nhẫn cho Alena đeo nhé. Để Alena mỗi lần đưa tay lên, ánh sáng trong mát lại soi tỏa đường Alena đi.

Alena mỉm cưởi:

- Sao Văn mơ mộng thế. Văn hơn Alena gần 6 tuổi mà Văn lúc nào cũng hài hước được. Nhớ lần sinh nhật trước của Alena, Văn có bảo Alena đẹp như trăng rằm, mắt của Alena như dòng sông xanh nhưng ít người dám mạo hiểm đến bơi trong đó. Không biết Văn nói có thật không, chứ Alena thấy chẳng đúng tý nào.

Văn:

- Alena không thấy nụ cười của Alena như bông hoa hồng sao? Nhưng Alena ạ, tâm hồn Văn khô cằn lắm, Văn không có tuổi thơ, chỉ có tuổi thơ lo nghĩ thôi, và nhiều năm tháng gian khổ với những mất mát đau thương trong cuộc chiến tranh vệ quốc nữa. Người ta bảo cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết, có phải vậy không?

Alena tò mò:

- Chẳng lẽ trong tình yêu Văn cũng chỉ có nước mắt sao? Alena không tin điều đó.
Đôi mắt Văn trờ nên xa vời, anh đang nhớ lại kỷ niệm những ngày xa xưa. Hồi lâu Văn nói:

- Alena, với em tình yêu còn là cái gì đó cao xa, mơ mộng. Nó đến thật mãnh liệt, dữ dội, nhưng lúc đi thì cũng thật vội vã, đau thương. Tình yêu không phải toàn mộng ảo như người ta nghĩ, mà ngược lại nó chứa nhiều cay đắng. Văn không đủ sức nói đến hai chữ ấy, khi mà đã một lần trái tim Văn rung lên. Quá xa rồi những ngày tuổi hoa ấy…

Alena khẽ thở dài. Nàng nhìn Văn với đôi mắt thật thông cảm. Nàng rót hai ly rượu vang đỏ, đặt lên bàn:

- Chúng mình sẽ uống vì tình bạn thân thiết. Mong Văn sẽ hiểu Alena hơn. Và mong Văn sẽ quên đi những kỷ niệm buồn.

Bên ngoài bỗng trời đổ cơn mưa. Những giọt nước tí tách bắn lên cửa sổ. Alena tiến về chiếc đàn piano để ở góc phòng, bàn tay thon thả của nàng lướt khẽ trên những phím ngà.

- Alena sẽ đánh cho Văn nghe một bản nhạc buồn trong đêm mưa. “Thư gửi Êli” của nhạc sĩ Bê-tô-ven. Bản nhạc mà trong giây phút xúc động nhất của tình yêu, nhạc sĩ đã gửi tâm hồn mình cho nàng Êli trên những cung trầm.

Tiếng đàn rộn lên, thánh thót, dìu dặt, làm căn phòng ấm hẳn lên. Điệu nhạc như tiếng lòng của Alena đang đến với Văn. Văn lặng người, dõi theo những ngón tay thon của Alena. Thỉnh thoảng, nàng lại đưa mắt nhìn Văn, như thì thầm: “Anh đã hết buồn chưa?” Alena muốn gửi vào tiếng đàn những điều nàng chưa nói được với Văn. Nàng tin anh sẽ nhận ra điều đó. Alena chợt nghĩ một cách thiển cận: phải chăng lúc này mình là Bê-tô-ven, còn Văn là Êli?

Lòng Văn cũng xao động không kém. Một người con gái kiều diễm bên chiếc đàn trong căn phòng ấm cúng lúc này gây cho anh một niềm yêu thương tràn ngập. Anh muốn ngắm nhìn mãi bờ vai phủ những lớp tóc vàng của nàng. Bản nhạc chấm dứt đã lâu, Alena quay đầu lại, nàng thấy đôi mắt Văn vẫn nóng bỏng nhìn mình. Nhạc sĩ Be-tô-ven có biết bản nhạc của ông có một sức mạnh huyền bí, đã làm men say cho một mối tình thơ mộng?

- Alena đánh dở quá phải không Văn?

- Không, trái lại, hay tuyệt vời. Có lẽ trong đời Văn lần này là lần thứ hai được nghe một bản nhạc có hồn như vậy.

Rồi anh đứng dậy:

- Văn cũng sẽ đánh một bài cho Alena nghe: Bản Tình ca du mục.

Alena thật ngạc nhiên, nàng mới chỉ nghe nói Văn đánh đàn hay, hát giỏi thôi.

Nhưng khi tiếng đàn vút lên, thì Alena thấy rõ bầu trời rộng mở, những vì sao lấp lánh… Nàng buồn trong âm hưởng ngọt ngào, lòng rung lên cùng những nốt nhạc. Còn Văn, tiếng đàn êm dịu rót vào lòng như những đợt sóng của biển xanh quê anh. Hà Nội - Thủ đô yêu dấu làm sao anh quên được. Nơi những ngày anh cắp sách đến trường, hoa phượng rơi đầy trên vai học trò. Rồi những lúc đứng trên bờ biển Đồ Sơn, anh mê mải ngắm nhìn bình minh trên mặt biển. Song trong hương vị ngọt ngào của tuổi nhỏ, anh vẫn không thể quên những nỗi đau đớn của cuộc chiến tranh ác liệt. Bố anh, một nhạc sĩ gục ngã bên cây đàn của mình trên chiến trường. Bỏ lại người vợ với đứa con thơ dại. Mẹ anh là một nhà giáo hết lòng vì chồng con. Học xong lớp 10, Văn đã quyết định làm đơn vào bộ đội. Những dòng suy tưởng cứ tiếp nối mãi đến khi bản nhạc đã hết, Văn mới thấy bên vai anh một hơi thở nồng nàn.

- Anh Văn!

- Alena!

Hai làn môi sát dần nhau, một nhịp cầu sắp nối giữa hai trái tim, song bỗng Văn đứng dậy:

- Văn phải về, 10 giờ rồi.

Alena khẽ hỏi:

- Văn ghét Alena sao mà bỏ đi sớm thế?

Văn vội thanh minh:

- Không, chưa bao giờ Văn ghét Alena cả. Nhưng Alena hiểu là Văn còn công việc ở Poprad mà.

Lúc hai người chia tay, Alena cúi xuống ven đường ngắt một bông hoa hồng mới nở đưa cho Văn.

- Anh cầm lấy bông hoa này và hãy nghĩ đến người con gái đang muốn trao trái tim mình cho anh.

Rồi Alena hỏi:

- Tối mai Văn có bận gì không?

- Chắc không phải làm gì Alena ạ.

Alena đề nghị:

- Tám giờ tối mai Alena chờ Văn trước nhà ga Poprad, Alena sẽ dẫn Văn đi xem thành phố đêm. Rồi Văn sẽ thấy những ánh đèn lấp lánh như những vì sao của Poprad.

Họ chia tay nhau bằng cảm giác lâng lâng của đêm hè ngập hương hoa hồng.

*
* *

Theo kế hoạch, sáng hôm ấy cả trại khởi hành đến Strbské Pleso (Hồ Bạc) cách Poprad chừng vài chục cây. Văn cũng vui lây với niềm vui của các em thiếu niên trước phong cảnh thiên niên hùng vĩ. Các em nói với Văn:

- Đất nước mình cũng có nhiều cảnh đẹp như thế này anh Văn nhỉ.

Khi thấy hồ, các em trai hăng hái đòi được chèo thuyền. Văn bảo Dũng ở lại hồ cùng một tốp các em trai. Anh muốn dẫn các em gái đi dạo chơi lên núi vì các em không thích chèo thuyền.

- Anh Văn chờ em cùng đi với.

Văn ngoảnh lại thấy Sao Mi và Fu Say, anh phiên dịch Lào mới đến tối hôm qua, đang dẫn các em thiếu niên đi tới. Sao Mi trong bộ váy sẫm màu với những hoa văn trang nhã, nom cô thật tươi trẻ:

- Thế các bạn không cho các em đi thuyền à?

- Sóng to quá, em thấy sợ.

Fu Say cũng bảo Văn:

- Tôi cũng muốn cùng các em lên đỉnh núi có cái nhà cao vút trên kia. Không biết họ xây làm gì mà cao vậy nhỉ?

Văn giải thích:

- Đó là cái cầu trượt tuyết.

Mọi người đều hớn hở leo lên. Trên đường đi Sao Mi bỗng kêu lên:

Văn ngạc nhiên:

- Sao kia?

- Anh học giỏi mà anh cứ bảo anh học dốt toàn bị điểm một, làm em cứ nghĩ người như anh mà học kém thì không tin được.

Văn mỉm cười:

- Thì anh đã cho Sao Mi xem sổ điểm rồi còn gì, toàn chống gậy suốt, đi mưa không sợ ngã.

Sao Mi phá lên cười:

- Điểm một là điểm cao nhất, phải không Fu Say?

Fu Say gật đầu. Họ đi một lúc tới khán đài cho người ngồi xem. Các em thiếu niên ao ước:

- Giá có tuyết rơi bây giờ thì đẹp lắm.

Lúc ấy trời bỗng đầy mây như báo hiệu một cơn mưa bão sắp đến. Fu Say bảo mọi người:

- Hay chúng ta dẫn các em xuống núi, đứng đây cũng nhìn rõ cầu trượt rồi, các em cũng mỏi chân, mà nếu lên đó mưa xuống không biết trú vào đâu.

Sao Mi muốn lên đó để được nhìn xuống thị trấn và cảnh vật xung quanh. Văn thấy các em mồ hôi đã nhễ nhại, anh bèn bảo Fu Say:

- Fu Say đưa các em xuống xe cho mình luôn. Mình dẫn Sao Mi lên trên đó cho cô ấy thỏa tính tò mò. Cả đời mới có dịp đi thế này.

Họ nhất trí với nhau như vậy. Khi Sao Mi và Văn lên tới nơi, Sao Mi rất xúc động khi nhìn xuống chân núi. Cô khẽ bảo:

- Đẹp quá, nó gợi cho em nhớ mảnh đất Lào nơi quê hương em cũng có rất nhiều núi đồi.

Văn cũng lặng đi:

- Xóm nhỏ ở chân núi ven hồ kia sao có gì đó thật thân thiết với anh.

Lúc đó cơn mưa đang tới gần, bầu trời xám xịt, gió ào ào nổi lên từng cơn. Văn vội giục Sao Mi:

- Chúng mình xuống núi nhanh, không mưa đến thì ướt hết.

Dưới chân núi có một thị trấn nhỏ, ở đó khách du lịch rất đông. Văn và Sao Mi vừa tới nơi thì trời đổ mưa. Hai người chạy tới bên thềm một ngôi nhà ven đường đứng trú ở đó, Sao Mi nói:

- Mưa nặng hạt thế này, chỉ một lúc là tạnh thôi

Văn:

- Nhìn mưa rơi, lòng anh nhớ đến bản Cok Phô năm nào. Sao Mi biết không, ở đó Văn có một người mẹ và một người chị đã cứu sống anh khỏi cái chết vì kiệt sức trong rừng già. Bao ân tình ơn nghĩa của đất nước Lào ắp đầy trong tim anh…

Sao Mi lùi lại, nhìn Văn như một người chưa từng quen biết. Cô lắc đầu rồi gõ nhẹ những ngón tay lên trán, như muốn khẳng định điều gì. Cô đề nghị anh:

- Anh kể chuyện về mẹ và chị người Lào cho em nghe đi.

Mắt Văn như mờ đi. Anh nhớ về ngôi nhà sàn mỏng manh bên sườn núi, nơi đã cứu mạng anh mấy tháng trời. Căn nhà làm bằng tre nứa và gỗ lợp bằng tranh với hai mái chính và hai mái phụ. Các cột nhà từ dưới đất lên bằng gỗ đẽo tròn, rui, mè bằng tre. Nhà có hai cầu thang, một chiếc trước nhà, một chiếc trước sàn bếp đi ra. Mẹ Nàng Pheng đã thương và coi anh như con. Hình ảnh mẹ và chị chăm sóc anh từ lúc mê man đến lúc lành vết thương anh không thể quên được. Anh nhớ mùi cơm nếp Lào được nấu cách thủy. Cơm rất thơm và dẻo, đặc biệt không dính tay, ở Lào mọi người đều ăn bốc. Mẹ chiều anh thường làm cơm nếp nướng gọi là Khậu Lam. Chị Nàng Phan vào rừng chặt các ông nứa. Mẹ trộn gạo nếp với thịt băm đổ vào ống nứa cùng nước dừa. Chị Nàng Phan cho vào lửa nướng chín và hơi sém. Sau khi cơm chín chị chẻ nứa chung quanh và vỏ lụa của nứa ôm lấy cơm nướng thành một thỏi cơm tròn và dài. Cả nhà quây quần bên bếp lửa với món bình rượu cần, chấm cơm nếp với món Cheo-pa-đec (Dăm bẩy quả ớt nướng giã với muối, vài quả cà chua nướng trộn với mấy con mắm cá) ấm cúng biết bao. Sau khi vết thương đã đỡ có thể đi tập tễnh được, Văn nóng lòng trở về đơn vị. Anh xin phép mẹ và chị lên đường. Đêm chia tay thật cảm động, mọi người mời anh ra ngôi chùa giữa làng. Trước cửa chùa là chiếc sân rộng. Bản Cok Phô có khoảng ba chục mái nhà, đàn ông đi theo bộ đội Pathet Lào chỉ còn phụ nữ, trẻ em và các ông già bà cả, nhưng mọi người rất yêu ca múa. Đêm ấy trăng sáng, tiếng khèn trầm bổng của già làng cất lên. Trong ánh lửa bập bùng mọi người nắm tay nhau thành vòng tròn múa điệu Lăm vông. Rồi tiếng hát theo điệu Lăm Nhao của Chị Nàng Phan cất lên:

Lào – Việt Nam

Nhà chung mái

Rẫy chung núi

Ruộng chung đồng

Tắm một bến sông

Thuyền về một bến

Đôi ta tuy có xa

Không xa bằng tiếng hú

Không xa bằng đường tên

Sáng sớm mặt trời chưa ló

Đi vo gạo thấy mặt nhau

Tiếng xa quay nghe rõ

Tiếng khèn bè nghe rõ

Núi cao xanh đứng đó

Ấp ủ những đường mòn

Thầm thì kể chuyện kiếp xưa làm nô lệ

Cách mạng như nước chảy

Lào-Việt uống chung lòng

Tiếng “ai noọng” ngọt lòng

Gặp nhau chào “Xá bai”

Lào – Việt là anh em

Kết nghĩa bạn sống chết

Núi sông bao giờ quên

Người đồng chí Việt Nam tình nguyện…

Mẹ Nàng Pheng cũng hát tặng anh những lời hát đầy ân tình:

Sáng sớm mẹ lên nương

Thấy sương trắng trên núi

Lần theo vết chân

Mưa đầu hôm đã xóa

Con đi rồi – đứa con Việt Nam tình nguyện

Mong con gặp điều lành – Mẹ khấn

Đi không vấp đá

Qua đường không gặp nhánh nè

Vào rừng không dẫm gai tre

Uống ba chum rượu không say không té

Bao giờ con trở lại

Ép xôi nóng

Bát măng chua

Đường chưa quen mẹ bảo

Trời đêm hôm có tối

Đưa “cà boong” con thắp

Lửa hồng đây con sưởi

Con cụ Hồ là con mẹ

Bụng cụ Hồ là bụng mẹ

Đôi bạn nghèo

Hạt gạo cắn chia đôi.

Mẹ hát xong, anh ôm mẹ khóc trong tiếng khèn trầm ấm thiết tha. Chia tay anh, mẹ tặng anh chiếc vòng bằng bạc trắng, mà theo mẹ khi đeo vào con ma ốm không dám bắt nạt. Còn chị Nàng Phan tặng anh chiếc khăn Phạ phe, chiếc khăn ấy dài khoảng 1,6 mét, rộng 0,8 m dệt bằng sợi, vải kẻ ô đen trắng. Chị chỉ cách dùng khăn cho anh: “Ở nhà hoặc trong lao động em quấn ngoài quần cộc, thay xà lùng. Đi đường khi trời nắng em quấn lên đầu che nắng. Nhảy xuống sông tắm em dùng Phạ phe thay quần lót. Cần nằm nghĩ bên rừng em dùng Phạ the trải nằm. Phạ the còn dùng gói quần áo, gói thức ăn đi đường hoặc các loại rau, nấm, măng…”. Những lời của mẹ, của chị giản đơn, bình dị và gần gũi như con sông, con suối của người Lào…

Nghe Văn kể những điều ấy, Sao Mi nhận ra Văn chính là người mà mẹ cô muốn cô tìm gặp trước giờ phút lâm chung. Cuộc gặp gỡ thú vị này như một định mệnh, như là một sự sắp xếp của tạo hóa. Và để khẳng định thêm một lần nữa người đứng trước mặt mình có đúng là anh chàng Văn năm ấy không, cô hỏi:

- Có phải anh là Trịnh Thành Văn không?

- Đúng, anh là Trịnh Thành Văn…!

Văn chưa dứt lời đã thấy Sao Mi gục đầu vào vai anh khóc:

- Trời ơi! Anh Văn! Mẹ và chị mà anh vừa kể đó chính là mẹ và chị của em.

Văn ngạc nhiên:

- Thật vậy sao? Mẹ có cho anh biết bố là bộ đội Pathét Lào có mang một người con gái theo cùng. Lúc gặp em, anh cũng có cảm giác ngờ ngợ… Không ngờ em là em gái chưa biết mặt của anh.

Sao Mi nức nở:

- Mẹ mất rồi anh ạ.

Văn thảng thốt:

- Trời ơi! Mẹ mất thật rồi ư?...

Sao Mi nói trong nước mắt:

- Em chưa nói anh rõ, cha em là chiến sĩ cách mạng Lào. Năm đó em còn nhỏ lắm, em theo cha vào rừng. Trong một trận B52 rải thảm trúng cứ, cha lấy thân mình che cho em. Một mảnh bom phạt ngang lưng, máu của cha tưới đẫm người em. Các chú đã chôn cha trong rừng và đưa em sang Hà Nội học. Em ở Hà Nội hơn chục năm. Ngày em về bản Cok Phô thì mẹ em đã đau bệnh qua đời, em không được nhìn mặt mẹ lần cuối. chị Nàng Phan có bảo em còn có người anh Việt Nam mà mẹ muốn em tìm gặp anh ấy, nhắn mẹ vẫn thương nhớ anh nhiều. Anh biết không, bức thêu em treo trong trại chính là bức thêu của chị Nàng Phang tặng em đấy.

Những giọt nước mắt chảy ướt vai anh khiến anh thấy bàng hoàng. Không ngờ trên đất nước Tiệp Khắc xa xôi này anh gặp lại Sao Mi. Niềm vui chưa bắt đầu thì nỗi buồn đã đến, thế là mẹ nuôi của anh không còn nữa.

- Sao Mi, em đừng khóc nữa.

Chung quanh Văn, mọi vật như nhòa đi. Những kỷ niệm cũ ùa về. Văn ôm Sao Mi vào lòng, nước mắt bỗng trào ra. Anh muốn nói với cô ngàn lời an ủi nhưng miệng anh đắng nghẹn. Trong lúc ấy, anh không biết có một cô gái đang lặng lẽ nhìn họ. Cô gái ấy quay người vội vã bỏ đi mặc mưa rơi ướt đẫm mái tóc vàng. (Xem tiếp kỳ sau)


Đoàn Hoài Trung


Xem tin theo ngày: