Tin mới
Tiểu thuyết NGỌT NGÀO VỊ ĐẮNG: Chương Năm

Ngày đăng: 14/11/2011 - 07:38:16

Tác phẩm được giải thưởng của Nhà Xuất bản Thanh niên


NĂM

Rời sân bay Văn muốn đến nhà Alena trước khi về Brno. Khi ngôi nhà quen thuộc hiện ra, cảm giác xôn xao dâng lên trong lòng Văn. Nhà Alena như một lâu đài ngập trong sắc hồng của các loài hoa. Ven đường dẫn vào nhà, một bên nở đầy hoa hồng bạch, một bên đỏ rực màu cẩm chướng. Văn gặp bà Marta ngay đầu ngõ. Bà đang chăm sóc một khóm thược dược.

- Chào bác, Alena có nhà không hả bác?

Bà dừng tay ngẩng lên thấy Văn:

- Cháu vào nhà chơi đã. Alena đi từ ba ngày trước rồi. Con bé có để lại bức thư gửi anh đây.

Văn lạnh người, theo bà Marta vào nhà, lòng nghĩ vẩn vơ. Sao Alena không chờ mình nhỉ. Đến lúc giở bức thư Văn mới hiểu:

“Văn!

Alena viết những dòng này khi lòng Alena đã nguội lạnh tất cả. Nhưng dẫu sao Alena cũng thú thực là đã có lúc Alena yêu Văn mãnh liệt. Tình yêu ấy trong trắng chân thành, nhưng thật tiếc chỉ có một phía. Alena cứ tưởng đến một lúc nào đó Văn sẽ hiểu cho lòng Alena. Nhưng sự đời thật đau xót. Văn chưa bao giờ yêu Alena cả…

Alena không chờ Văn đến được, Alena sẽ đến Bratislava tìm một mùa hè mới ở miền xa. Chúc Văn tất cả mọi sự tốt lành.

Alena”


Từ biệt bà Marta, Văn quyết định đi Bratislava. Bức thư đã gây ấn tượng buồn bã trong lòng anh. Văn thấy cần phải tìm gặp Alena. Trên suốt chuyến tàu, không lúc nào anh không nghĩ đến Alena và những lời nói dịu dàng êm ái của nàng.

Đến Bratislava, Văn tìm gặp một người bạn cùng lớp hỏi thăm tin tức xem Alena hiện ở đâu. Người bạn khuyên Văn:

- Mình không biết, nhưng cậu muốn tìm thì nên đến những buổi disco hoặc những vũ hội sẽ thấy thôi.

Nghe lời người bạn, đêm ấy Văn tìm đến một tiệm nhảy khá lớn ở trung tâm thành phố. Bước vào tiệm Văn đã để ý khắp nơi, nhưng anh chỉ thấy những cặp trai gái choàng tay lên vai nhau dập dìu trong tiếng nhạt. Văn tìm một chiếc bàn khuất góc, chàng gọi người bồi bàn:

- Mang cho tôi một chai rượu nho và hai chiếc cốc!

Văn thầm nghĩ: nếu giờ Alena đến đây thì tuyệt vời biết bao. Tiếng nhạc xập xình không làm cho chàng thấy đam mê. Văn cứ lặng im bên chai rượu và chờ đợi. Bỗng Văn có cảm giác như ai đó đang nhìn mình. Văn ngoảnh lại và thấy gần bàn quả nhiên có một cô gái rất trẻ đang chăm chú nhìn anh. Nàng khẽ mỉm cười, đôi môi hồng hình trái tim mới gợi cảm làm sao. Hàng mi kẻ công phu, cong vút lên, những hạt kim tuyến trên mí mắt lấp lánh. Văn quay đi nơi khác nhưng anh vẫn cảm thấy ánh mắt của người đẹp đang nhẹ nhàng lướt trên khuôn mặt thanh tú của anh. Mải suy tư, Văn giật mình khi có một giọng dịu dàng bên tai:

- Anh cho tôi hỏi, chỗ này có ai ngồi chưa?

Văn ngẩng đầu lên, anh chỉ kịp đáp: “Chưa ai ngồi cả” thì đã thấy người đẹp ngồi cạnh anh.

- Hình như anh đang chờ một người nào đến đây?

Văn lắc đầu:

- Không, tôi không hẹn hò ai hôm nay cả.

Cô gái thắc mắc:

- Tại sao anh phải rót rượu ra cả hai cốc?

Văn cười xòa:

- Những người đàn ông cô độc như tôi thì thích viễn tưởng một người bạn gái trong mộng. Người bạn gái ấy nghe trọn niềm tâm sự của tôi như cốc rượu tràn đầy vậy. Còn cô không phải ngẫu nhiên mà dừng chân ở đây.

Cô gái:

- Ôi, nếu thế thì em cũng muốn được nghe tiếng nói của lòng anh. Chỉ tiếc là em không có trí tưởng tượng nghĩ đến một hoàng tử trong mơ.

Văn lịch sự đứng dậy:

- Tôi thật sung sướng làm quen với cô. Chúng ta nâng cốc chúc mừng cho sự tao ngộ này.

Cô gái giới thiệu tên là Dana, họ vui vẻ nói chuyện với nhau vế thành phố Bratislava. Qua câu chuyện, Văn biết Dana bán hàng ở bách hóa tổng hợp của thành phố. Dana vừa mới vào nghề một thời gian, biết Văn trải qua năm tháng ở bộ đội rồi mới đi học, cô cảm phục lắm. Nhất là khi nghe những câu chuyện trong quân ngũ, những lúc ở rừng cả tuần thiếu cơm, những ngày đêm hành quân không nghỉ. Cô cũng tâm sự ước mơ vào đại học của mình như thế nào, nhưng gia đình không muốn con gái học lên cao. Bố mẹ cô cũng muốn con có nghề nghiệp không phải quá vất vả. Dana nói đùa với Văn:

- Nghe anh kể chuyện học hành vất vả em cứ nghĩ anh không có thời gian đến những nơi như thế này chứ. Anh thạo làm toán hơn thạo nhảy phải không?

Lúc ấy trong tiệm nổi lên một điệu van quen thuộc, Văn cười bảo Dana:

- Nhất định rồi, nhưng nếu Dana muốn chúng mình sẽ nhảy một bài.

Dana gật đầu. Cô khoác tay Văn. Hai người bước bên nhau:

- Dana có biết bài này không? Văn không thuộc lời Tiệp, nhưng nội dung nói đến một thảo nguyên hoang vắng, mênh mông tận chân trời, và nơi ấy hoa thơm nở khắp cánh đồng. Người con trai tìm người yêu mình khắp chốn, nhưng hoài công vô ích. Người con trai gọi tên người con gái. Chàng nhắn theo gió theo chim tình yêu cháy bỏng không phút giây nào nguôi với người mình yêu. Tình yêu ấy dù cho năm tháng trôi qua, dù cho gió tuyết mưa rơi, sương sa, bão nổi vẫn xanh như cây mùa xuân. Lời bài hát rất đẹp, nhưng Văn không đủ trình độ dịch hết.

Tiếng nhạc êm đềm tràn ngập dưới ánh đèn mờ ảo, những đôi trai gái, những cặp vợ chồng sánh bước bên nhau say sưa trong niềm hạnh phúc của tình yêu. Nhưng với Văn tiếng nhạc quen thuộc chỉ gợi dậy trong lòng anh những kỷ niệm, những buổi đi vũ hội ở Brno với Alena. Alena nhảy thật đẹp, nàng có đôi chân thon thả, có tấm thân mềm mại. Dù điệu valcik, polka, tăng gô hay các kiểu hiện đại, ở đâu nàng cũng thể hiện một nét sống động đến ngây ngất. Cũng chính Alena đã làm “cô giáo” dạy Văn nghệ thuật của vũ hội, để anh có thể thấy được cái hay cái đẹp của nền văn hóa Tiệp Khắc. Song thời gian trôi qua, Văn luôn giữ được tình bạn đúng mực, bởi vì anh chỉ muốn dồn sức lúc này cho học tập. Tiếng gọi của quê hương đã làm Văn hững hờ đối với Alena. Nhưng thật ra con tim Văn đã đập rộn rã mỗi khi nói chuyện với nàng. Lòng anh đã cảm thấy rạo rực bồi hồi khi đặt tay lên vai nàng bước trong tiếng nhạc. Giờ đây tay anh đang đặt lên vai một người con gái khác mà lòng vẫn nhớ nhung đến hàng mi đen nhánh và ánh mắt nàng. Dana vẫn thì thầm bên tai anh. Rồi một điệu tango nổi lên, Văn có cảm giác như trong vòng tay mình là Alena. Chàng nhảy mãnh liệt xúc động, đến nỗi Dana kêu lên:

- Anh Văn nhảy nhanh quá làm em theo không kịp. Thế này thì em phải đính chính lại lời ban nãy. Anh là hoàng tử của vũ hội mới đúng.

Cuộc nhảy còn tiếp tục đến khoảng 11 giờ, họ chia tay nhau. Dana lưu luyến:

- Mai anh lại tới nhảy nữa nhé!

Ba tối liền Văn đều có mặt ở tiệm “Con ngỗng vàng”. Anh và Dana đã trở thành đôi bạn nhảy tâm đắc. Văn cố tìm gặp Alena, nhưng không thấy bóng dáng nàng đâu. Không thể ở lâu hơn khi túi đã sắp cạn, tối thứ ba đến quán gặp Dana, Văn bảo:

- Ngày mai tôi về Brno, tạm chia tay Dana nhé.

Dana ngạc nhiên:

- Anh Văn nói gì lạ vậy, ngày hè còn dài, hay anh không muốn nhảy với Dana nữa?

Văn thanh minh:

- Thực ra tôi muốn đi tìm một người bạn, mà không gặp được. Tôi còn rất nhiều việc phải làm ở Brno.

Dana nhìn Văn mạnh dạn:

- Tối nay, anh em mình không nhảy nữa. Em muốn đưa anh đi tham quan Bratislava, đây là Thủ đô của nước cộng hòa Xlo-va-kia trong Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc.

Văn vui vẻ:

- Nếu được thì hay quá. Tôi rất muốn ngắm thành phố đêm.

Họ rời tiệm nhảy đi dọc sông Dunaj êm đềm. Đây là con sông dài thứ hai châu Âu, tới 2.750 kilomet, chỉ sau sông Volga (3.700km). Con sông này chảy từ Tây sang Đông Âu, đi qua tám nước: Đức, Áo, Tiệp, Hung, Nam-tư, Rumani, Bulgari và Liên Xô. Đoạn chảy qua Tiệp Khắc dài tới 160 kilomet. Dòng sông như một dải lụa êm đềm quấn quanh kinh thành Bratislava cổ kính có vết tích hàng ngàn năm trước công nguyên. Đêm mùa hè châu Âu thật đẹp. Những vì sao lung linh gắn trên tấm thảm đèn bao la. Mặt sông như một tấm gương sinh động in hình những ngôi nhà cao tầng và cầu Bratin hùng vĩ. Ở Tiệp Khắc có rất nhiều núi và sông nhưng không có một tấc bờ biển, cho nên việc vận chuyển lớn chỉ bằng tầu hỏa và tầu sông. Tiệp Khắc muốn chuyển hàng qua các đại dương phải nhờ cảng của Liên Xô để làm nơi đỗ tầu. Dana chỉ cho Văn xem cảng sông Bratislava phía xa xa. Trong đêm, cả một khu vực sáng ánh đèn, những chiếc cần cẩu khổng lồ với ra ngoài sông chuyển từng container lên hàng chục chiếc tầu to, nhỏ đậu dọc cảng. Ba chiếc cầu đồ sộ vắt ngang qua sông nối liền đôi nửa thành phố. Một bên là Bratislava cổ kính với những gác chuông thánh đường và các lâu đài nguy nga tráng lệ kiến trúc kiểu Gôtích, một bên là những công trình hiện đại như khách sạn quốc tế Manéti, Viện Hàn lâm Ixtropôlita, cung văn hóa, đài phát thanh…

Người Bratislava rất tự hào về cây cầu mới xây. Đây là một công trình vĩ đại được xây dựng trong bảy năm. Hai trụ cầu như hai cánh tay chàng khổng lồ đỡ cho chiếc cầu nặng hàng ngàn tấn. Hai cánh tay ấy như cao vút lên nâng trụ đỡ đài truyền hình lên tầng mây. Dana kéo Văn đến thang máy của trụ cầu:

- Lên đây anh Văn, em sẽ chỉ cho anh toàn cảnh kinh thành Bratislava diễm lệ.

Dana mua hai vé vào thang máy, mỗi vé 3 curon. Văn đòi trả tiền, nhưng cô không chịu:

- Để hôm nay em chiêu đãi anh, mai đi xa anh còn nhớ đến Bratislava với sông Dunaj xanh.

Chiếc thang máy đưa hai người lên quán rượu lửng lơ giữa tầng cao cách mặt đất tương đương cao ốc 29 tầng. Quả nhiên trên cao Văn như lạc vào vũ trụ đầy sao. Sao trên trời lung linh, dưới đất muôn ngàn bóng đèn cũng tạo thành một biển sao trần gian lấp lánh. Dana kéo tay anh tới sát bên tường kính chỉ cho anh thấy đài kỷ niệm Hồng quân cao 72 mét trên đồi Slavin. Giọng cô xúc động:

- Anh có biết không? 18.000 chiến sĩ Hồng quân Xô Viết đã hy sinh cùng nhân dân Tiệp Khắc để giải phóng cho nước cộng hòa Xlo-va-kia này. Trên đài tưởng niệm lúc nào cũng có những bó hoa tươi thắm của khách bốn phương. Bố em cũng từng là du kích tham gia giải phóng Bratislava. Nên tuần nào ông cũng lên đấy để tưởng nhớ những người bạn của ông.

Văn thầm nghĩ đến Trường Sơn, đến những ngày chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm xưa. Biết bao nhiêu đồng đội của anh đã nằm xuống, biết bao nhiêu nấm mồ vô danh trong những cánh rừng đại ngàn. Rồi đây chắc chắn sẽ có một tượng đài cao vút tại Trường Sơn để tưởng nhớ những con người đã hy sinh cho độc lập, tự do.

Dana cũng chỉ cho Văn tháp truyền hình cao vút trên một ngọn đồi mâm xôi, như một cây nến lớn sáng giữa trời. Kiến trúc tương đối độc đáo, hình dáng của nó như một chiếc tháp lật ngược đặt trên một khối bê tông cốt thép với độ cao bằng tòa nhà 15 tầng. Xa hơn nữa là chung cư Petresenka của hàng chục ngàn công nhân viên chức với những tiện nghi hiện đại. Bratislava có số dân khoảng 40 vạn người, được chia làm 4 quận. Dana cho anh biết, nếu ban ngày trời trong xanh có thể nhìn thấy biên giới nước Áo. Đứng trên cao nhìn dòng sông hiền hòa chảy quanh thành phố, không dừng được Văn khẽ hát bản “Danube blue – sông Dunaj xanh”. Bản nhạc nổi tiếng mà anh đã được nghe từ thuở ấu thơ. Bản nhạc đã đi vào thi ca và âm nhạc thế giới. Dana nhìn Văn với ánh mắt trìu mến:

- Em không ngờ anh lại thuộc bài hát này. Em nghe như thấy tiếng sóng lao xao dìu dặt dưới chân.

Rồi cô cất tiếng hát bài “sông Dunaj xanh” bằng tiếng Sloven. Văn mời Dana ngồi xuống, rồi kêu hai cốc rượu vang đỏ Hungari. Văn lấy ra một chuỗi ốc thật đẹp:

- Trước khi uống ly tạm biệt, anh có một món quà cho em. Đây là vòng ốc từ quê hương Việt Nam có hơn ba ngàn kilomet bờ biển. Em coi đây là kỷ niệm của một người bạn mới quen, mà đã phải chia tay.

Dana cầm lấy vòng ốc ngắm nghía, rồi cô đeo lên cổ:

- Em sẽ đeo vòng ốc này cho đến lúc gặp anh lần sau. Anh về Brno nhớ viết thư cho em nhé. Có dịp em lên thăm anh được không?

Văn cười:

- Brno với Bratislava có gì xa cách đâu, chỉ vài tiếng đồng hồ là gặp được. Anh sẽ viết thư cho em.

Dana nhìn quanh, rồi cô rút chiếc nhẫn đang đeo trên tay:

- Gấp quá em chẳng có gì kỷ niệm anh. Xin tặng anh chiếc nhẫn này để nhớ tới người con gái Bratislava. Chiếc nhẫn này của bố em cho lúc sinh nhật lần thứ 20.

Văn vội từ chối:

- Anh không dám nhận đâu. Đây là kỷ niệm của bố em, em hãy đeo nó kẻo cụ buồn.
Dana thật lòng:

- Anh đừng lo, em sẽ nói với cụ là đã tặng cho bộ đội Việt Nam, chắc chắn cụ sẽ rất vui. Cụ luôn luôn khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng Văn đành đeo nhẫn vào ngón út của mình…

Ngày hôm sau, Văn vào chơi với bè bạn học nghề, mải bù khú chuyện trò lúc đến ga đã chín giờ tối. Văn vội mua vé, tức tốc chạy ra sân ga lên tàu. Anh kiếm một chỗ ngồi và ngắm nghĩ cảnh vật chung quanh, thầm nghĩ: thôi từ biệt nhé, từ biệt những ước mong thầm kín.

Văn bỗng nhận ra trong những người hành khách lên tàu có người bạn cùng lớp với mình. Anh gọi:

- Peter! Lại đây!

Peter cũng nhận ra Văn, cậu vui vẻ lên toa tìm đến chỗ Văn:

- Sao bây giờ Văn mới về Brno?

Văn cười:

- Ừ! Bây giờ tớ mới về, chán quá tìm gặp nàng mà không ăn thua, còn cậu đi đâu đấy.

Peter kêu lên:

- Trời, mình tưởng Văn gặp được Alena rồi chứ, sáng nay mình thấy Alena mà. Cô bé đi chơi rừng gần một tuần về. Lúc mình bảo Văn có đến tìm thì nàng sửng sốt. Mình cứ nghĩ Văn về Brno lâu rồi cơ. Ai ngờ vẫn trụ lại đây.

Văn gặng hỏi:

- Thế Peter có biết giờ Alena ở đâu không?

- Mình chỉ biết là ở chỗ đằng một bà con gì đó. Nhưng Alena có bảo tối nay nàng sẽ đến dạ hội tổ chức ở tiệm “Con ngỗng vàng”

Không kịp hỏi gì thêm, Văn vội chạy xuống tàu, lúc ấy đã 9h15. Đoàn tàu rùng mình chuyển bánh, Peter nói với theo:

- Chúc cậu gặp may!

Văn tự trách mình sao vội quay về, chút nữa thì vùi chôn hy vọng gặp nàng trong dịp hè này. Khi Văn bước vào tiệm, trái tim anh đã phải rung lên khi thấy Alena lộng lẫy như một công chúa, nổi bật trong đám bạn bè ngồi giữa tiệm. Văn không bước tới bên nàng, vì nhận ra xung quanh Alena còn có ba thanh niên khác. Anh tìm một chiếc bàn cách bàn Alena khá xa. Cũng như mọi lần, Văn gọi hai cốc rượu hồng. Anh không còn thời gian quan sát xung quanh, mọi suy nghĩ và đôi mắt anh lúc này hướng về nàng. Anh không ngờ trong quán, bên góc tường một người con gái khác cũng đang hướng về anh. Lúc đó hết thời gian giải lao, nhạc nổi lên, từng đôi bước ra quấn quýt bên nhau theo một điệu van. Văn nhận ra ba chàng trai cùng muốn nhảy với Alena. Nhưng nàng lắc đầu từ chối. Trước sự nồng nhiệt của bạn, Alena thấy khó xử, nàng không biết sẽ phải nhảy với ai. Cuối cùng nàng cầm bao diêm trên bàn và bảo:

- Nếu ai hất cho bao diêm này đứng thì Alena sẽ nhảy với người đó:

Ba chàng trai đồng ý. Lúc đó Văn đã đứng dậy, chàng đến bên bàn của Alena:

- Tôi cũng xin tham gia với mọi người.

Bốn người ngẩng đầu lên. Với ba chàng trai Văn là người quá xa lạ. Còn Alena đã nhận ra Văn, nàng muốn kêu lên, nhưng nàng lại im lặng, một sự im lặng kìm nén đầy trách móc. Nàng tránh ánh mắt của Văn, quay mặt nhìn đi nơi khác. Các bạn Alena kêu lên:

- Anh bạn làm gì có lượt ở đây cơ chứ!

Song Alena lại nói:

- Không sao, cứ để anh ta cùng chơi. Tôi chấp nhận điều đó.

Ba chàng trai lần lượt búng bao diêm, nhưng trớ trêu thay bao diêm toàm bị úp xuống. Đến lượt Văn, anh cảm thấy hồi hộp. Cả Alena cũng vậy. Khi chiếc bao diêm đã đứng im trên bàn, Alena kêu lên:

- Có thế chứ.

Rồi nàng khoác tay Văn bước ra như những ngày nào hai người còn ở Brno. Các chàng trai nhìn theo hậm hực. Nhưng Văn đã không để ý xung quanh, chàng cùng Alena lướt nhẹ trên tấm thảm. Văn thì thầm:

- Anh tìm em khắp nơi!

Alena giận dỗi:

- Tìm em làm gì? Em có gì đáng tìm đâu?

- Em đừng nói vậy!

Alena:

- Em nghĩ chúng ta chẳng bao giờ có những phút như thế này nữa.

Văn:

- Em đừng giận anh.

- Anh có bao nhiêu cô gái khác, hấp dẫn hơn em, xinh đẹp hơn em.

- Không, trong mộng, trong đời, em là người đẹp nhất của anh.

Alena dừng lại, nhìn chằm chằm vào mắt Văn:

- Đừng có nịnh em!

Văn:

- Không, anh nói thật.

Alena:

- Hứa đi! Anh không được phép bỏ rơi em lần nữa.

Văn thầm thì:

- Anh hứa…!

Sau những phút làm lành chóng vánh, họ chỉ còn biết chìm trong yêu thương ngọt ngào. Văn khẽ hỏi:

- Công chúa đã tìm được niềm vui ở miền xa chưa?

Alena cũng không kém:

- Vui lắm Văn ạ, vui tràn đầy như dòng sông Bratislava vậy. Còn Văn chắc đã sống những ngày hạnh phúc bên người yêu mình ở trại hè nhỉ?

Văn lắc đầu:

- Alena nhầm rồi. Ở trại hè Văn làm gì có người yêu nào, Văn chỉ có một người em gái ở đất Lào thôi. Alena nghĩ rằng Alena hiểu hết Văn, nhưng thật sự Alena chưa biết được lòng Văn đâu.

Tâm hồn Alena bỗng như bừng dậy. Nàng run lên trong cánh tay rắn chắc của Văn. Nàng muốn gục đầu vào vai chàng. Từ khi viết bức thư để lại cho Văn ra đi đến nay, lòng Alena lại càng thương thầm nhớ trộm người bạn trai đất Việt. Nàng muốn tới Bratislava tìm nguồn vui mới, nhưng ngày lại ngày trôi qua, nỗi buồn cứ kết đọng lại thành chuỗi tương tư. Tiếng Văn văng vẳng bên tai Alena:

- Alena đẹp quá! Ánh mắt em nhìn sáng như màu nắng. Môi em cười như hoa nở đầu xuân.

Alena nói như trong mơ:

- Nghĩ đến tình yêu em cảm thấy sợ hãi, đã có biết bao nhiêu chàng trai quanh em mà trái tim em không hề rung động. Anh đến như tảng đá ném vào mặt hồ phẳng lặng, để lòng em nổi sóng. Em là một cô gái kiêu kỳ, thấy anh hững hờ em bỏ đi tìm nguốn vui mới. Có ngờ đâu càng đi càng nhớ anh nhiều hơn.

Lúc ấy hết một bài nhảy, Văn dẫn Alena về chỗ mình ngồi. Khi đi qua chỗ các bạn trai, Alena kêu lên:

- Mình đến đằng này ngồi một lát nhé!

Ba chàng trai tức giận, hằm hằm nhìn theo.

Văn ngồi bên Alena, lòng lẫn lộn buồn vui. Văn khẽ vuốt bàn tay mềm mại, thon thả của Alena:

- Chúng mình nâng cốc mừng buổi gặp mặt..!

Vừa lúc ấy, có một cô gái xầm xầm bước đến bàn của hai người:

- Văn, anh là đồ lừa dối.

Hai người giật mình quay sang, Văn nhận ra Dana. Văn chưa kịp nói thêm lời nào Dana đã tiếp lời:

- Tôi cứ tưởng anh là con người không đến nỗi nào, ai ngờ chỉ đi lợi dụng lòng tin của người con gái khác thôi.

Cô giật mạnh chuỗi dây ốc đang đeo trên cổ, vứt vào mặt Văn:

- Đồ hèn! Cầm lấy mà lừa dối đứa khác…!

Dây ốc bị đứt làm văng những hạt ốc li ti ra sàn nhà. Đôi mắt của Dana vẫn ngầu lửa:

- Anh cũng trả ngay tôi cái nhẫn. Còn chị, chơi với ngữ ấy phải cẩn thận!

Văn kêu lên:

- Dana, Dana hiểu nhầm rồi!

Nhưng lúc ấy Alena đứng phắt dậy, ôm mặt khóc, giọng mếu máo:

- Văn, Văn xúc phạm tôi quá!

Rồi nàng chạy về bàn ba bạn trai, gục xuống.

Dana cầm chiếc nhẫn vừa nhận lại của mình, ném vào mặt Văn cái nhìn khinh bỉ:

- Thôi, vĩnh biệt…!

Sự việc diễn ra trong phút chốc khiến anh không biết phải làm thế nào nữa. Văn định gọi Dana, nhưng cô đã đi ra cửa tiệm. Văn đứng dậy, muốn đến bên Alena giải thích cho cô rõ, nhưng lúc ấy hai người bạn của Alena đã đến bên Văn.

- Vì danh dự của người con gái, chúng tao đến đây. Mày, nếu là một thằng đàn ông thực sự thì hãy nhận lời thách đấu của chúng tao.

Văn không ngờ câu chuyện lại dẫn đến kết cục như thế. Song anh không muốn giải thích thêm. Anh bặm môi:

- Giữa chúng ta không có thù hằn gì. Còn câu chuyện tôi với Alena chỉ là sự hiểu lầm.

Chàng thanh niên đứng bên xắn tay áo, cười gằn:

- Chả nhẽ mày sợ…?

Văn:

- Chúng ta đánh nhau ở đây không lợi.

Anh lẳng lặng ra ngoài quán, nhìn lại vẫn thấy Alena ngồi gục xuống bàn. Hai chàng trai ra theo. Họ tới một công viên, lúc đó trời đã khuya, đường phố vắng người. Trong công viên cây cối um tùm che lấp những ánh sáng từ đường hất vào. Văn hỏi:

- Một đấu một chứ?

Chàng thanh niên có mái tóc dài chấm vai bước tới:

- Hãy nhìn đây!

Hắn đá một cú như trời giáng về phía Văn. Là lính trinh sát, Văn cũng biết đôi chút võ nghệ, anh né người, đá lại một phát trúng hông của gã kia. Bạn hắn thấy thế kêu lên:

- Pavel, chú ý, hắn ta biết võ đấy!

Lúc đó Văn đã tiến sát người Pavel, nhân quả đấm của đối thủ, anh tóm tay vặn chéo lên:

- Tao tha mày lần này, lần sau tao vặn gãy tay!

Văn vừa thả ra thì Pavel và bạn hắn đã lao bổ đến Văn. Lần này thì Văn không đủ sức để chống lại hai đứa. Chúng tóm được anh, hai cú đấm như trời giáng vào mặt làm Văn lảo đảo. Song anh cũng đá vào ngực Pavel, làm hắn bổ nhào ra. Thằng bạn của Pavel tóm được tay Văn, hắn nện vào mặt Văn như nện dùi vào mặt trống. Quả đấm vào sườn làm Văn gục ngã, lịm đi. Thằng kia sợ quá, mặc Văn nằm thiếp trong công viên, kéo thằng bạn chạy:

- Có lẽ hắn ta chết mất, tẩu thoát mau!

Chúng chạy vào tiệm. Lúc đó Alena đang ngơ ngác:

- Mọi người đâu cả rồi, Lubor?

- Họ đi trả thù danh dự cho Alena rồi.

Lúc đó bọn Pavel chạy tới, kêu lên:

- Chạy mau, thằng nhóc bị trận đòn may ra sáng mai mới tỉnh dậy.

Lubor tỏ vẻ sung sướng:

- Có thế chứ, chắc cậu đấu tay đôi với hắn?

- Đâu có. Nó có võ. Bọn mình bị nó nện cho một trận, may nó nhân đạo tha mình, nên bọn mình hợp lực lại nên cho nó một trận nên thân. Không khéo nó tỏi rồi ấy chứ.

Alena hốt hoảng kêu lên:

- Trời ơi, Văn chết rồi sao…?

Nàng tái mặt chạy ra cửa. Pavel muốn cản lại, nhưng hai đứa bạn vội bảo:

- Mau đi khỏi đây, không con bé mà làm ầm lên, bọn công an đến thì phiền.

Trong lúc đó, Alena tức tưởi chạy về phía công viên. Nàng đã nghe thấy tiếng rên trong bụi cây. Khi Alena tới gần, nàng thấy Văn nằm sóng soài, mặt sưng vù, chàng kêu khe khẽ. Alena đau đớn gục xuống Văn:

- Anh Văn! Anh Văn! Tại em tất cả.

Nàng khẽ vuốt lên khuôn mặt yêu dấu, những giọt máu rỉ ra bên mép Văn khiến lòng Alena thắt lại. Nàng cảm thấy như nỗi đau đó là của chính mình. Văn khẽ mở mắt, chàng đã thấy một bóng áo trắng bên mình:

- Em đấy ư? Trời ơi, em!

Alena khẽ gật đầu, nàng cúi xuống cho đôi môi thơm mùi hoa hồng đồng nội gắn chặt vào đôi môi máu đang trào ra của Văn. Trên bầu trời những ngôi sao lấp lánh như đang mỉm cười với họ…

Ở Bratislava vài ba hôm, họ chia tay nhau. Văn đã viết bức thư dài cho Dana để cô hiểu câu chuyện. Alena về Poprad với mẹ nghỉ nốt những ngày hè, còn Văn trở lại Brno. Ngồi trên tàu hỏa ngắm nhìn cảnh đẹp qua ô cửa sổ, lòng Văn bồi hồi, xao xuyến. Nắng vàng đang nhuộm trên những rừng sồi, rừng bạch dương, rừng lipa. Những cánh đồng lúa mạch bao la, xanh rì reo trong gió. Ở Tiệp Khắc người ta tổ chức các nông trang tập thể, nên không có bờ vùng bờ thửa ngăn các ruộng như ở Việt Nam. Những chiếc máy cày, máy gặt thỏa sức tung hoành trên các cánh đồng, không có cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau. Tầu hỏa của nước bạn ngăn từng phòng ngồi 6 người, hết sức rộng rãi thoải mái. Trong từng khoang trang trí rèm cửa và treo các bức tranh về đất nước Tiệp Khắc, các ghế ngồi bọc nệm tạo không khí ấm cúng. Theo nhịp đung đưa của tầu, Văn như say trong men tình yêu. Nụ hôn của Alena còn đọng trên môi, hương thơm của mái tóc vàng còn thoang thoảng đâu đây. Thế mà đã 5 năm trôi qua, anh gắn bó biết bao kỷ niệm với mảnh đất này, Tiệp Khắc đã trở thành quê hương thứ hai của anh, nơi anh đã trải qua những năm tháng êm đềm trong cảnh thanh bình của đất nước xã hội chủ nghĩa. Brno, thành phố nơi anh ở là thành phố lớn nhất vùng trung Tiệp, là trung tâm công nghiệp của xứ Mo-ra-va. Nơi đây có rất nhiều sản phẩm công nghiệp được sản xuất bán đi khắp nơi trên thế giới như máy cày Zetor, súng thể thao Zbrojovka hay pha lê Bohemia… Brno còn là thành phố hội trợ quốc tế. Hàng năm, hàng chục nước trên thế giới mang hàng hóa mới nhất đến đây triển lãm và chào bán. Có những ngày nghỉ Văn đã đi lang thang trong hội trợ để ngắm nhìn những sản phẩm của ngành công nghiệp hiện đại và giao tiếp với bạn bè khắp nơi…
 
Văn về đến ký túc xá thì nhận được thư của mẹ. Những lời động viên, những lời nhắc nhở nghiêm khắc làm anh hơi lo lắng khi nghĩ mối tình chớm nở với Alena. Trước khi lên đường sang Tiệp Khắc, mẹ đã tâm sự rất nhiều với anh. Điều bà luôn trăn trở là cuộc sống đầy đủ sung túc sẽ làm anh quên quê hương đang khó khăn. Một điều bà rất e ngại là chuyện yêu đương của tuổi trẻ, bà căn dặn:

- Con ạ, ra nước ngoài học tập con phải cố gắng hết sức. Mẹ hy vọng con sẽ thành tài mang bằng đỏ về đây cho mẹ là mẹ vui lòng. Con hãy gác chuyện yêu đương lại. Chờ đến khi về nước ổn định công việc, lúc đó tính chuyện gia đình cũng chưa muộn. Mẹ nghe bảo con gái Tiệp Khắc đẹp lắm…

Thấy mẹ lo lắng, Văn làm bài thơ tặng mẹ trước khi lên đường:

… Mẹ ơi mẹ! Xin mẹ đừng khóc

Xin mẹ yên tâm đừng bận bịu trong lòng

Con không ngã, không bao giờ bị ngã

Trong dòng sông nhơ bẩn xấu xa

Con không chết trong xa hoa phù phiếm

Con không run trước mãnh lực đồng tiền

Không ủy mị những mối tình si…

Thế mà giờ đây anh đang yêu một người con gái Tiệp Khắc đẹp như một đóa hoa hồng trong sương mai; xa cô mới có mấy ngày mà anh thẫn thờ ngẩn ngơ. Văn khẽ thở dài. Anh quyết định đi làm thêm kiếm ít tiền mua quà cho mẹ. Nhờ mấy người bạn cùng trường chỉ, anh tìm xuống nông trang tập thể ở Blansko cách Brno chừng 40 kilomet. Mùa này, dưới nông trang có rất nhiều loại hoa quả chín, nên họ rất cần lao động hái quả. Rất nhiều sinh viên trong trường đã xuống lao động từ đầu vụ hè. Khi Văn xuống, nông trang tiếp nhận ngay, họ đang thiếu người hái quả. Buổi sáng nông trang tổ chức cho sinh viên đi lao động ăn sáng trong nhà ăn tập thể gồm bánh mì, bơ, pho mát và uống chè đường. Cả nhà ăn buổi sáng đông nghẹt, từng tốp ngồi quanh bàn ăn vội vàng. Các sinh viên ăn mặc như những nông trang viên, quần áo bảo hộ lao động màu xanh nước biển. Ăn xong, mọi người tản ra theo các xe nông trang vào vườn hái quả. Trên đường đi họ cười đùa, trêu ghẹo nhau có khi hứng lên cùng nhau ca hát. Đến vườn mận mọi người tản ra, mỗi người chọn một cây để hái. Nhiệm vụ của họ hái đâu sạch đấy, hái hết cây này mới sang cây khác, không được để quả dập. Tiền công được tính theo năng suất hái. Mỗi thùng mận nông trang trả 3 curon.

Những cây mận to cao chi chít quả nom thật thích mắt. Quả mận Tiệp nhỏ như mận ở Việt Nam, không tròn mà thuôn dài như quả trám, mầu tím sẫm. Lúc đầu Văn bứt từng chùm cho vào miệng nhai ngấu nghiến để hưởng hương vị ngọt thơm của nó, nhưng đến chiều thì anh đã thấy ngán tận cổ. Các bạn sinh viên quanh anh chăm chỉ cần mẫn hái quả cho vào thùng, họ ục ịch nên việc leo trèo hết sức khó khăn. Những cành mận xa họ phải dùng thang chữ A đặt chắc chắn rồi mới leo lên vít hái. Riêng Văn thì leo trèo từ bé nên anh làm rất nhanh, những cành cao anh cũng leo lên vắt vẻo ngồi hái. Các bạn Tiệp đi qua lắc đầu lè lưỡi. Mấy ngày đầu anh làm bình quân hơn 20 thùng, sau rồi anh cải tiến làm chiếc sào để hái quả xa nên có ngày hái hơn 30 thùng quả. Trong khi các bạn sinh viên Tiệp làm chỉ độ hơn chục thùng là nhiều. Ở nông trang mọi người rất quí anh. Đặc biệt cô phục vụ nhà ăn tỏ ra mến anh ngay từ đầu. Cô luôn chăm sóc anh hơn những người khác, miếng thịt cho anh cũng dầy hơn. Bạn bè Tiệp và bản thân anh cũng ngạc nhiên. Cô có mái tóc màu hung, đôi mắt tròn to, hai bím tóc hai bên lúc nào cũng ngúng nguẩy nom rất tinh nghịch. Cô ăn mặc giản dị, nhưng vẻ tươi trẻ luôn toát ra qua nụ cười như bông hoa cúc trên đồng cỏ. Nhiều chàng trai đến tán tỉnh, bị cô bốp chát, ngán ngẩm bỏ đi. Đến một buổi chiều, Văn về ăn muộn, chỉ còn anh với cô, cô đến ngồi bên:

- Lin-da đang có tâm sự buồn.

Văn ngạc nhiên:

- Tôi trông Lin-đa vui vẻ phấn khởi lắm, tưởng như đời không có gì cản được cô?

Lin-đa lắc đầu:

- Thế mà tôi đang là kẻ thất tình đấy?

Văn tò mò:

- Tôi tưởng người ta thất tình vì cô chứ? Chẳng nhẽ có kẻ không rung động trước sắc đẹp của cô? Hay có kẻ nào phụ bạc cô?

Lin-đa trả lời:

- Anh ngac nhiên là phải. Tính tôi lúc nào cũng thích bông đùa, nên cứ cười cợt để che nỗi đau của mình thôi. Gặp người khác hay suy nghĩ thì chắc sẽ sầu héo. Tôi yêu say đắm một người, người ta cũng yêu tôi tha thiết, nhưng chúng tôi phải chia tay nhau. Người con trai ấy cũng là sinh viên Việt Nam như anh đấy.

Văn tự nhiên hơi đỏ mặt lên, Lin-đa không chú ý đến điều đó. Giọng cô trở nên xa xăm:

- Chúng tôi yêu nhau cũng được vài ba năm rồi. Tôi là sinh viên trường máy Brno, còn anh ấy hơn tôi hai khóa, là học viên học viện kỹ thuật quân sự VAAZ Brno. Tình yêu chúng tôi đầy mộng mơ. Chúng tôi đã cùng nhau đi khắp đất Tiệp, từ thành phố điện ảnh Karlovy Vary đến thành phố than bụi Ostrava, từ miền Nam đầy hoa thơm cỏ lạ lên miền Bắc với những đỉnh núi cao như Jasenhik, Vysoka Tatra quanh năm tuyết phủ. Chúng tôi yêu nhau từ mùa đông băng giá, sang mùa xuân ấm áp, đến mùa hè rực rỡ, qua mùa thu lá vàng bay bay để rồi quay lại mùa đông giá lạnh. Cuối cùng lại phải chia tay nhau. Anh có biết sao không?

Văn im lặng, nhưng anh cũng nóng lòng muốn nghe câu chuyện của Lin-đa. Lin-đa khẽ thỡ dài:

- Chỉ vì anh ấy là bộ đội. Anh ấy không được phép yêu người nước ngoài. Anh ấy phải trở về để phục vụ đất nước, phục vụ quân đội, phục vụ lý tưởng của anh ấy.

Văn hỏi:

- Anh ấy về nước lâu chưa?

Lin-đa buồn bã:

- Cũng được vài ba tháng rồi. Lúc đầu tôi giận anh ấy lắm, nhưng bây giờ thì lại thấy thương anh ấy nhiều hơn. Lòng tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai để đi tìm tình yêu mới. Thế còn anh, anh có người yêu chưa?

Văn thật thà:

- Tôi cũng có bạn gái, cô ấy cùng học lớp với tôi.

Lin-đa giơ tay, nắm chặt tay Văn với tình cảm chân thanh:

- Anh cố giữ gìn nhé! Tôi không được may mắn như bạn anh…

Làm ở nông trang hơn mười ngày, Văn đã tương đối thạo việc. Anh trở thành nông trang viên thực thụ. Hôm thì đi hái mận, hôm thì đi hái đào, hôm thì đi làm cỏ dại cho cỏ ba lá. Ở nông trang có những cánh đồng cỏ ba lá mênh mông được trồng để chăn nuôi bò sữa. Loại cỏ này cũng rất sợ cỏ dại, nên người ta phải thường xuyên làm cỏ cho chúng. Một buổi sáng, Văn đang hái đào thì nghe tiếng gọi thoang thoảng trong gió:

- Văn, Văn, anh ở đâu?

Tim anh như nhảy dựng lên. Đúng Alena rồi. Vứt cả giỏ đào, Văn bụm miệng gào lớn:

- Anh đây, lại đây, Alena!

Alena lao ào đến như một cơn lốc. Hai người ôm chặt lấy nhau. Hai đôi môi gắn chặt vào nhau. Hai vòng tay xoắn suýt sau bờ vai. Xung quanh họ như không có ai, chim ngừng hót, gió ngừng thổi, mây ngừng bay để nhường cho hai trái tim thổn thức. Chỉ có một người im lặng nhìn đau đớn, dường như không chịu nổi, anh ta quay người lê gót đi. Sau một hồi ôm chặt nhau, họ buông ra rồi phá lên cười:

- Anh hạnh phúc qua! Em xuất hiện bất ngờ như một nàng tiên giáng trần vậy. Lam sao em biết anh ở đây mà tìm?

Alena sung sướng:

- Em nhớ anh. Chưa hết hè em đã đòi mẹ lên Brno. Về trường thì gặp Victor, cậu ấy bảo anh đi lao động. Cậu ấy tình nguyện dẫn em xuống đây. À quên mất, cậu ta đâu rồi nhỉ?

Văn và Alena nhìn quanh, nhưng Victor đã đau khổ bỏ đi rồi. Văn cúi xuống giỏ đào chọn một quả to đưa cho Alena:

- Em ăn đi, cho đỡ khát.

Alena lúc này mới chú ý đến vườn đào. Cô nhìn quanh thấy những cây xum xê xanh mướt, trên cành những quả đào mũm mĩm đung đưa trong gió. Cô cầm quả đào ửng đỏ cho lên môi:

- Ôi thích quá Văn ơi! Em chưa bao giờ thấy vườn đào nào sai quả như vậy. Anh cho em ở lại đây hái đào cùng anh nhé.

Văn âu yếm:

- Thế thì tuyệt quá! Chỉ sợ em làm mấy hôm chân tay xước xác, da lại đen như con gái châu Phi thôi.

Alena quả quyết:

- Anh làm được thì em cũng làm được. Miễn là được bên anh, dù gian khổ mấy em cũng chịu được.

… Alena ở lại nông trang cùng Văn lao động cho đến cuối hè. Trước khi về trường hai người rủ nhau đến thạch động Maxokha cách Brno khoảng 30 kilomet. Đây là điểm thăm quan nổi tiếng ở châu Âu. Giữa những dãy núi đá vôi điệp trùng, thiên nhiên đã ban tạo trong lòng đất những hang đá với thạch nhũ tuyệt vời. Cơn mưa đêm đã làm cho không khí mát dịu, những giọt nước đọng trên lá lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời. Đôi tình nhân dắt nhau đi trong tiếng reo ca của con suối Maxokha. Trên bầu trời xanh hiện ra cầu vồng bảy sắc, Alena thầm thì:

- Văn nhìn lên trời kìa! Chiếc cầu vồng tình yêu đang nối đôi bờ hai con tim. Ước gì em được cùng anh bay lên đó, ta sẽ đi trên đó tới bến bờ hạnh phúc.

Văn siết chặt tay Alena:

- Cần gì đi đâu xa, chúng mình chẳng đang trên con đường hạnh phúc đó sao, nếu có thể được anh đổi trái tim anh cho em. Anh muốn trái tim em đập trong lồng ngực anh để hát mãi bài ca tình yêu.

Họ tới cửa động Maxokha, muốn vào bên trong phải đi thuyền trên con suối chảy ra từ lòng núi. Hai người theo đoàn tham quan lên thuyền. Tiếng mái chèo khua nước ì oạp. Văn lại nhớ đến chùa Hương quê nhà, nhớ con suối Yến chảy qua dãy núi trăm voi thơ mộng với bến Đục, chùa Trình, Thiên Trù…đã đi vào huyền thoại. Thuyền đi trong động lúc sáng, lúc tối, khí lạnh bốc lên mờ ảo, Alena ngả đầu bên vai Văn, nàng khẽ hát một bản dân ca. Có lúc nàng thò tay xuống nhúng nước rồi đưa lên vuốt má Văn:

- Em muốn mùa đông trên má, mùa hè trong tim anh.

Vào trong động Maxokha, hai người ngây ngất trước các nhũ thạch được tạo bởi thiên nhiên, nhưng nhờ bàn tay con người mà nó đẹp lên lạ lùng. Các giọt nước tí tách chảy từ các khe đá tí tách suốt ngày đêm. Những cặn đá hàng ngàn năm tạo thành các thạch nhũ. Người ta đã đưa điện vào hang, với những ngọn đèn sáng tối, chiếu các góc cạnh đã tạo ra các màu sắc khác nhau làm tăng vẻ kỳ bí của thạch động. Rất nhiều câu chuyện truyền thuyết được thêu dệt, ở mỗi điểm tham quan, người hướng dẫn lại kể cho mọi người nghe. Cảm động nhất là câu chuyện truyền thuyết ở động Caterina. Chuyện kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa đã lâu lắm rồi có một ông góa vợ có một cô con gái nhỏ bé xinh xắn tên là Caterina. Ông rất thương con. Khi ông đi bước nữa, tình thương ấy không hề thay đổi. Mụ dì ghẻ không thể chịu được sự san sẻ tình cảm của ông dành cho con gái. Trong một lần ông vắng nhà, bà đã đưa cô lên thạch động này bỏ cô ta vào đó. Ngày ấy thạch động âm u, vào rồi thì khó lòng ra được vì nó có rất nhiều mỏm, ngách đá tạo thành ma trận. cô bé chết vì đói, nhưng bà gì ghẻ cũng bị trời trừng phạt”.

Trong động, Alena chỉ cho Văn thấy bà gì ghẻ. Đó là một táng đá lớn, rất giống hình bà già có chiếc mũi khoằm. Ánh đèn xanh lét ở dưới hắt lên nom bà như một mụ phù thủy. Đôi mắt của mụ ánh lên màu đỏ hung tợn như bản chất tàn ác của mụ. Cách đó không xa, cô bé Caterina nhỏ nhắn trong ánh sáng bàng bạc của các thiên thần. Sự trong trắng ngây thơ của cô bé 13 tuổi ấy đã làm sáng hẳn động. Alena bảo Văn:

- Cảnh gì ghẻ con chồng khổ ghê anh nhỉ. Nếu sau này chúng mình có con, em chết thì anh có ở vậy nuôi con hay là lại tìm niềm vui mới?

Văn lấy tay bịt miệng Alena lại:

- Em đừng nói gở ở nơi linh thiêng này. Bây giờ đâu có phải thời xưa, để người ta hành hạ nhau. Nhất định cuộc sống của chúng ta sẽ tươi đẹp.

Alena ôm lấy bàn tay phải của Văn đưa lên miệng cắn nhẹ vào ngón tay út:

- Em nói đùa đấy, ở bên anh, em cảm thấy vui sướng lắm. Em tin rằng bàn tay này sẽ đưa em vượt mọi khó khăn để tới bến bờ hạnh phúc. (Xem tiếp kỳ sau)

Đoàn Hoài Trung


Xem tin theo ngày: