Tin mới
Tiểu thuyết NGỌT NGÀO VỊ ĐẮNG: Chương Sáu

Ngày đăng: 29/11/2011 - 07:26:41

Tác phẩm được giải thưởng của Nhà Xuất bản Thanh niên


SÁU

Trời đã bắt đầu vào thu. Mùa thu Tiệp Khắc thật lãng mạn. Trời xanh và cao, không khí mát dịu, những chiếc lá bắt đầu ngả vàng. Ai đó tinh nghịch treo lên gốc cây chiếc biển nhỏ: “Xin đừng đụng vào cây, mùa lá rụng!” Nhưng ai ngăn được thiên nhiên. Lá vàng đã phủ kín gốc cây, dành chút hơi ấm cuối cùng sưởi ấm mảnh đất nuôi cây sẽ chịu băng giá suốt mùa đông. Trên hè phố, mỗi khi cơn gió qua lại cuộn những lớp lá xào xạc. Các sinh viên sau kỳ nghỉ hè đã trở lại trường. Họ khoe nhau những làn da đỏ như bồ quân mà phải rất công phu mới tạo được nhờ tắm nắng. Tình yêu của Văn và Alena đã trải qua những ngày hè ấm áp. Năm nay là năm cuối cùng, các sinh viên đăng ký đề tài làm luận văn tốt nghiệp. Văn đã chọn đề tài: “Vị đắng bia Plzen”. Alena hỏi Văn:

- Tại sao Văn lại chọn đề tài này, lúc đi thực tập sẽ phải đi xa, cực lắm đấy.

Văn cười :

- Có lẽ tại đời mình nhiều cay đắng. Tưởng không ai thèm đoái hoài, ai ngờ có công chúa kiêu kỳ lại để mắt đến. Cũng như bia vậy, tại sao vị đắng thế mà hàng triệu con người mê say nó. Anh muốn đi tìm cội nguồn của men đắng đó.

Alena vẹo má anh:

- Anh thì lúc nào cũng lý luận. Nhưng anh thích đề tài đó thì em cũng sẽ nghiên cứu đề tài như anh để luôn được bên anh.

Tình yêu đã làm cho đôi bạn trẻ hăng say trong công việc. Họ cùng nhau vào thư viện tìm tài liệu, cùng nhau nghiên cứu những công thức hóa học. Những ngày nghỉ, hai người dắt nhau vào rừng để nhìn lá rơi, để tâm tình về tương lai hạnh phúc.Văn đã kể cho Alena về người mẹ yêu quý của mình:

- Mẹ là người phụ nữ, mà theo anh là tuyệt vời nhất trên cõi đời này. Anh không nhớ được mặt cha vì ông đi chiến đấu rồi hy sinh trên chiến trường. Bao vất vả gian khó mẹ đã vượt qua. Vừa là cô giáo dạy giỏi hết lòng vì học sinh, vừa là người mẹ đầu tắt mặt tối bươn chải nuôi anh nên người. Giờ đây chỉ còn mẹ ở nhà một mình, vừa rồi mẹ viết thư sang có nói Sao Mi đã đến chơi thăm mẹ.

Alena tinh nghịch:

- Có phải cô gái đã ôm anh khóc ở Poprad không, em thấy cô ta có vẻ yêu anh lắm đấy. Khéo mẹ lại thương mà muốn anh cho cô ấy thì sao?

Văn nghiêm mặt:

- Em đừng đùa thế. Anh coi Sao Mi như em gái thôi. Anh nghĩ Sao Mi cũng quý anh như anh trai. Hơn nữa gia đình Sao Mi còn là ân nhân của anh. Mẹ viết thư đã nhận Sao Mi làm con nuôi rồi. Có Sao Mi mẹ cũng đỡ buồn hơn trong những ngày anh đi xa.

Alena ôm chầm lấy anh thủ thỉ:

- Em chỉ nói đùa vậy thôi. Nhưng em cũng mừng là mẹ có chị Sao Mi ở bên chắc cũng đỡ lo lúc ốm đau. Chỉ còn mấy tháng nữa chúng mình ra trường. Anh cố gắng xin ở lại Tiệp Khắc với em. Hai chúng mình sẽ cưới nhau, sẽ xin vào làm một nhà máy nào đó và sẽ sinh con.

Điều Alena đặt ra không phải là lần đầu. Văn rối bời trong tâm tưởng. Một bên quê hương nơi người mẹ ngày đêm ngóng đợi. Một bên tình yêu bỏng cháy…Năm năm trước, khi sang Tiệp Khắc chưa bao giờ Văn nghĩ đến việc xin ở lại mảnh đất này. Lòng anh lúc nào cũng nhớ khôn nguôi đến quê hương, đến con đường Láng rợp bóng xà cừ, đến Ngã Tư Sở với tiếng tàu điện leng keng. Nhất là khi Tết đến, ngoài cửa sổ tuyết rơi rơi, các con đường vắng vẻ, một mình cô đơn trong ký túc xá anh lại nhớ đến mùi bánh chưng thơm với tiếng cười rộn vang đêm giao thừa. Anh là lớp thanh niên lớn lên trong chiến tranh với những cảnh sơ tán, đêm đêm chui hầm tránh bom Mỹ. Càng trong gian khổ bao nhiêu, càng nhiều kỷ niệm không thể nào quên được. Giờ đây Văn đang yêu Alena, không nhẽ lại đưa cô ấy về Việt Nam? Làm sao cô ấy chịu nổi cơm độn bobo, khoai sắn? Alena đã nhiều lần thúc giục anh:

- Nghe em đi, ở lại đây với em. Đất nước Tiệp Khắc cũng cùng chế độ xã hội chủ nghĩa như nước Việt Nam vậy. Ở đây, kinh tế phát triển, đầy đủ điều kiện cho anh phát huy tài năng. Anh học giỏi vậy chỉ mấy năm nữa là trở thành tiến sĩ. Nếu nhớ mẹ thì thỉnh thoảng mình về thăm mẹ. Bây giờ Việt Nam đã hòa bình rồi, nền kinh tế sẽ ngày một khá lên, việc đi lại lúc đó chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu mẹ thích thì chúng mình có thể đón mẹ sang đây.

Văn ái ngại nhìn Alena:

- Alena ơi! Em nghĩ đơn giản quá. Tuy là hai đất nước cùng chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng việc anh ở lại với em chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Mọi người sẽ coi anh như kẻ phản bội. Nhất là mẹ anh sẽ không đồng ý đâu.

Alena giận dữ:

- Chúng mình là trai chưa vợ gái chưa chồng có quyền yêu nhau chứ, tại sao lại phân biệt như vậy? Hay là anh quanh co vì anh đã có vợ ở nhà rồi?

Văn thanh minh:

- Không có, nhưng mẹ rất nghiêm khắc về việc yêu đương…

Alena tự tin:

- Đấy là mẹ chưa biết về em là ai thôi. Em sẽ đi chụp ảnh, để anh viết thư về cho mẹ biết và xin ý kiến mẹ.

Rồi cô say sưa:

- Anh biết không ở Tiệp khắc, những cặp vợ chồng mới cưới được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách được vay. Khoản được vay này tối đa là 30.000 curon. Khi sinh con đầu lòng, Nhà nước cho xóa nợ 2.000 curon trong số tiền vay đó, khi sinh con thứ hai được xóa nợ 4.000 curon. Chắc chắn bố mẹ em sẽ hỗ trợ thêm để chúng mình có căn nhà ở Brno này.
Trước sự thúc giục của Alena, Văn đành viết thư gửi mẹ:

“ Mẹ ơi…!

… Con đã yêu một cô gái Tiệp Khắc. Cô ấy học cùng con, rất ngoan, xinh đẹp và giỏi giang. Nếu như vì tình yêu, con xin phép mẹ ở lại Tiệp Khắc thì ý mẹ như thế nào? Con gửi ảnh cô ấy để mẹ xem…”

Alena trực tiếp cầm thư ra bưu điện gửi nhanh về Việt Nam. Chờ thư mẹ gửi sang, Alena vui vẻ vẽ ra viển cảnh tương lai. Cô mơ ước sau này sẽ được sống cùng Văn ở Brno. Bố mẹ của cô rất thương con gái. Họ bắt Alena phải đưa Văn về ra mắt. Nhân ngày nghỉ Alena cùng Văn đi tàu về Poprad. Trên tàu cô luôn miệng:

- Mẹ thì biết anh rồi và quý lắm. Nhưng còn bố rất nghiêm khắc, ông là kiến trúc sư trưởng ở thành phố Kosice nên ít khi về nhà. Nay nghe tin con gái có người yêu, ông mới bố trí về xem mặt đấy.

Văn cười

- Được rồi, anh sẽ làm bộ hiền như thóc…

Alena vò đầu bứt tai:

- Ấy chết, anh mà làm vậy thì cụ ghét lắm. Cụ ghét những thằng đàn ông yếu đuối…

… Về đến nhà, bà Marta, mẹ của Alena chờ ở cổng:

- Các con vào nhà đi, bố đang đợi ở phòng khách. Anh thấy một người đàn ông có râu quai nón, ngồi bệ vệ trên xalông, đang đọc cuốn tạp chí tiếng Anh, Alena kêu lên:

- Bố, bố về lâu chưa?

Ông ngửng lên :

- Ờ, bố mới về hôm qua. Bạn con đây hả?

Ông đưa mắt nhìn sang Văn. Văn chào:

- Chào bác, nghe tin bác được nhận giải thưởng “Kiến trúc làng thể thao”, cháu xin chúc mừng bác.

Ông tròn mắt ngạc nhiên nhìn sang Alena, Alena cũng ngạc nhiên không kém vì chính cô cũng không biết chuyện ấy. Ông hất hàm:

- Ngồi xuống đi cháu, nghe nói cháu học rất giỏi phải không? Thế bố mẹ cháu ở Việt Nam làm gì?

Văn ngồi xuống ghế xalông đối điện với ông Rakhat. Alena ngồi sát bố, quàng tay qua ông:

- Mẹ cháu là giáo viên, bố cháu là bộ đội đã hy sinh trên chiến trường.

Ông thông cảm:

- Chiến tranh thật tàn khốc, lớp trẻ con như con Alena nhà này thì biết gì là súng đạn nữa.

Alena khoe bố:

- Anh Văn cũng từng đi bộ đội đấy bố ạ, từng chiến đấu ở chiến trường Lào.

Ông Rakhat nhìn Văn thiện chí:

- Trải qua bộ đội có khác, cậu trông rắn rỏi chứ không bấy bấy như mấy đứa sinh viên khác.

Rồi ông khoát tay Alena:

- Lấy cho bố chai Slivovice để bố uống với anh Văn vài ly.

Alena sung sướng vô cùng vì thấy ngay từ đầu bố đã mến Văn. Cô chạy lăng xăng lấy ly cho hai người nhắm nhí. Chiều đó Văn xin phép nấu cơm. Cả nhà đều ngạc nhiên vì người Tiệp hầu như không khái niệm được cơm thế nào là sống là chín. Họ chỉ đổ nước nấu theo công thức hướng dẫn cho nên có khi cơm nhão nhẹt mà sống, rồi họ chan sữa vào cơm ăn. Văn có mang theo ít bánh đa nem, anh trổ tài làm nem rán, giới thiệu đặc sản món ăn Việt Nam. Bên đĩa nem vàng ươm và nồi cơm thơm lừng, cả nhà vui vẻ ngồi nghe Văn kể chuyện. Anh kể về cây lúa, về thu hoạch thóc, từ hạt thóc ra hạt gạo như thế nào. Điều đó hoàn toàn mới mẻ với người Tiệp vì ở Tiệp Khắc chỉ có lúa mì, gạo nhập vào đã được làm sạch sẽ trong bao bì. Bà Marta luôn khen món nem rán và cách pha chế nước chấm sốt cà chua của Văn.

Sau bữa ăn, ông Rakhat mời Văn đánh cờ quốc tế. Rất may ở nhà Văn đã đánh cờ tướng giỏi nên khi sang Tiệp anh đã học được cờ quốc tế vào loại khá. Nhưng trước ông Rakhat, một người say mê cờ thì anh chỉ là một chú thỏ non. Văn thua liểng xiểng. Tuy vậy, ông Rakhat cũng nhận ra được nhiều nước cờ thông minh của Văn, ông dạy Văn:

- Anh phải chú ý nghiên cứu chiến thuật xuất quân theo từng thế một. Chịu khó đọc sách học cho thuộc vì đó là những kinh nghiệm hàng trăm năm các cao thủ cờ tổng kết lại. Đừng bao giờ bỏ trung lộ, anh nhớ nghiên cứu thêm về cờ tàn cuộc. Thế anh đã biết đánh cờ lâu chưa?

Văn thưa:

- Cháu mới biết đánh cờ quốc tế khi sang học ở Tiệp Khắc. Thời gian quá ít nên cũng chưa có điều kiện nghiên cứu sâu.

Ông Rakhat khen:

- Mới biết đánh thế là giỏi rồi, ở Việt Nam nghe nói cũng có loại cờ rất hay. Có giống cờ quốc tế không?

Văn đáp:

- Môn cờ đó ở phương Đông gọi là cờ tướng, có rất nhiều điểm giống cờ quốc tế nhưng tư tưởng phong kiến thể hiện hơi nặng. Các con tướng, sĩ, tượng chỉ ở trong khung cấm, không vượt sông tấn công được. Còn con tốt khi xuống hết nước thì không còn giá trị, ngược lại ở cờ quốc tế thì con tốt xuống hết nước có thể trở thành con hoàng hậu.

Sau mấy ván cờ mà phần lớn là Văn thua, ông Rakhat đứng dậy:

- Ta dừng ở đây. Alena, đàn một bài cho bố và anh Văn nghe đi con. Lâu lắm rồi bố không được nghe con đàn.

Alena nũng nịu:

- Bố bảo anh Văn đàn cho nghe, anh ấy đàn còn hay hơn con đấy.

Ông Rakhat tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Anh mà cũng biết đàn cơ à?

Văn khiêm tốn:

- Dạ, bố cháu là nhạc sĩ quân đội nên hồi nhỏ mẹ cháu bắt phải học đàn để có thể nối gót theo cha. Nhưng cuộc chiến tranh đã làm cho những thanh niên chúng cháu không có điều kiện ngồi đàn. Cháu đã xung phong vào bộ đội từ năm 1971. Bỏ lâu quá giờ đàn chắc cũng không hay...

Ông Rakhat vui mừng:

- Tôi rất thích nghe đàn, nên bắt con Alena học đàn để đánh cho tôi nghe, chứ tôi có biết đàn sáo gì đâu. Cậu đàn một bản nhạc Việt Nam để tôi thử nghe giai điệu xem sao.
Văn quyết định chọn bài Tiểu đoàn 307. Anh giải thích cho mọi người nghe nội dung bài hát:

- Đây là một bài hát truyền thống mà chúng cháu rất yêu thích, viết về Tiểu đoàn 307 anh hùng trong kháng chiến chống Pháp. Khi ở chiến trường chúng cháu hay hát bài này để động viên nhau hăng hái vào trận.

Văn vứa hát vừa đàn theo. Bà Marta và cậu em trai Alena cũng chạy ra phòng khách lắng nghe. Tiếng nhạc rộn ràng hùng tráng đã làm ông Rakhat vỗ tay dậm chân theo. Bài hát vừa chấm dứt, ông Rakhat chạy lại bên Văn ôm chầm lấy anh:

- Đúng là một hồi kèn xông trận, chú đã biết vì sao Việt Nam lại thắng Mỹ rồi. Alena lại đây đàn cho bố hát bài Quanh vườn nhỏ.

Alena vội chạy lại bên đàn dạo, ông Rakhat cất giọng ồm ồm say sưa hát.

“ Okolo Hradce, v malé zahradce, rostou tam tři růže... Jedna je červená, druhá je bílá, třetí květe modře...

(Quanh vườn nhỏ, ở một góc có ba bông hồng, một bông màu đỏ, bông thứ hai màu trắng, bông thứ ba nở màu xanh biển...)

Cả nhà cùng hát theo, Văn cũng hát theo. Rồi họ nắm tay nhau nhảy múa. Một hồi, ông Rakhat khoát tay:

- Bây giờ bà với con Alena ở nhà để bố con tôi đi nhậu. Tôi phải giới thiệu thằng con rể này cho mấy ông bạn mới được.

Alena cũng phải ngạc nhiên vì cách xưng hô của bố cô. Ông khoác vai Văn như bè bạn vào quán bia trong thị trấn. Vừa đến nơi ông đã kêu ầm lên:

- Mời các ông lại đây uống bia với tôi!

Ông Rakhat là người thành đạt trong thị trấn. Đặc biệt là ông đã thiết kế rất nhiều ngôi nhà cao đẹp ở thị trấn này nên dân trong vùng rất quý mến ông. Trong quán đang có rất nhiều vị chức sắc trong vùng. Thấy ông, họ mừng rỡ chạy tới bắt tay. Ông Thị trưởng cũng có mặt trong quán, ôm chầm lấy ông:

- Có phải bác Rakhat hôm nay chiêu đãi giải thưởng “Kiến trúc sư thể thao Olempic” phải không? Hôm rồi báo chí viết, chúng tôi mừng quá. Ông làm rạng danh cho xứ Poprad này đấy.

Ông Rakhat xua tay:

- Không, tôi muốn giới thiệu với các anh chàng rể tương lai cơ!

Tất cả cặp mắt tò mò dồn về phía chàng thanh niên Việt Nam, bởi ai cũng biết Alena là cô gái đẹp nhưng rất kiêu kỳ. Ông Rakhat nói oang oang:

- Đây là bạn trai của Alena đấy, sinh viên nhưng từng là bộ đội của dân tộc Việt Nam anh hùng. Cậu ta học giỏi và là người có bản lĩnh.

Thế là mọi người ào đến. Người bắt tay. Người vỗ vai. Người nâng ly. Cả quán nhậu tưng bừng hẳn lên. Cũng may tửu lượng của Văn không đến nỗi nào.

Hôm sau chia tay, bà Marta bùi ngùi:

- Các con thỉnh thoảng về chơi nhé.

Ông gạt phắt:

- Để cho chúng nó học! Bây giờ là năm cuối phải phấn đấu cái bằng đỏ con ạ. Sau này chúng mày thích ở Brno bố sẽ mua nhà ở trên đó cho ở. Để mẹ mày lúc nào thích lên tỉnh chơi thì lên đó mà ở.

Cậu em trai của Alena thì mê Văn như điếu đổ, vì anh truyền cho cậu ta vài ngón tiểu xảo chơi bài. Cậu cứ nài nỉ:

- Anh cố gắng về sớm dạy cho em nốt mấy ngón tráo bài để em đi biểu diễn cho chúng xem…

Tình cảm nồng ấm của gia đình làm đôi bạn trẻ trở nên hạnh phúc vô cùng. Alena thầm thì:

- Bây giờ em mới hết lo. Hôm nọ, mẹ bảo bố về làm ầm lên: “Con trai Tiệp đi đâu hết mà nó đâm đầu yêu thằng nước ngoài cơ chứ”. Mà làm sao anh biết bố được giải thưởng kiến trúc?

Văn cười xòa:

- Đấy là nhờ anh hay đọc báo và xem tin tức. Nên khi em giới thiệu bố em là kiến trúc sư trưởng thành phố Kosice, anh nhớ ngay đến bài viết mới tuần rồi.
Alena cười:

- Thế mà bố em kín tiếng, chẳng nói cho nhà biết gì. Bố mẹ đều khen anh đấy. Em chờ mong tin mẹ anh nữa, được mẹ đồng ý thì hạnh phúc quá anh nhỉ.

Văn và Alena trở về ký túc xá thì nhận được thư từ Việt Nam. Cả hai cùng hồi hộp, Alena reo lên:

- Để em bóc thư xem mẹ nghĩ gì về em nào.

Văn đọc ngấu nghiến thư của mẹ, mặt anh tái dần. Anh nặng nề gieo phịch xuống ghế. Alena lo lắng:

- Mẹ viết gì vậy anh. Mẹ không đồng ý phải không?

“... Nhận thư của con mà mẹ tưởng trời đất sụp xuống. Mấy hôm nay mẹ bị tái phát bệnh tim, may mà có em Sao Mi bên cạnh chăm sóc. Mẹ không ngờ con lại đổ đốn đến thế. Máu của cha con đã chảy và bao vất vả lo toan của mẹ để mong con nên người. Mẹ những tưởng có ngày vinh quy bái tổ làm rạng rỡ cho gia đình ta. Ai có ngờ con định làm kẻ phản bội, bỏ Tổ Quốc, bỏ gia đình để phụng sự cho tình yêu mù quáng. Nếu như con muốn ở lại thì mẹ coi như không có con trên đời này. Con hãy tỉnh lại đi. Cô bạn con rất đẹp, rất giỏi nhưng con không thể nào lấy được đâu. Đó chỉ là thứ hoa hồng trong tủ kính. Việc chia tay có thể con sẽ đau khổ nhưng mẹ tin con sẽ vượt qua được...”

Văn dịch cho Alena nghe. Có nhiều đoạn anh không dám dịch đúng sự thật. Nghe xong, Alena khóc nức nở:

- Anh Văn, mẹ chẳng hiểu gì em cả, mẹ phong kiến cổ hủ quá.

Văn sửng cồ với Alena:

- Cô im đi! Tôi cấm cô nói xấu mẹ.

Alena gào lên:

- Anh thì lúc nào cũng mẹ. Hoặc là em hoặc là mẹ, anh chọn đi.

Rồi cô chạy ào ra khỏi phòng Văn.

Bên ngoài trời đã tối. Những cành cây khô đã rụng hết lá, khẳng khiu như những cánh tay gầy chìa ra trong gió lạnh, như báo hiệu những ngày đông giá sắp đến.

*
*     *

Alena ngồi lặng im trong phòng. Bên ngoài những cơn gió lạnh đã tràn về. Những bông tuyết đầu mùa trắng nhẹ như bông rơi hồn nhiên bên cửa sổ làm lòng cô thêm tan nát. Alena không dám nhìn ra ngoài. Nàng sợ. Lời của mẹ Văn trong thư cứ vang lên: “Đó là thứ hoa hồng trong tủ kính...” Alena thấy lòng thắt lại. Tại sao bà ấy lại coi thường mình đến thế? Giấc mộng về tình yêu, về một mái ấm gia đình bỗng thành mộng ảo và đột ngột tan thành mây khói. Một căn nhà, một công việc ổn định bên người mình yêu tưởng đơn giản thế mà quá xa vời. Hôm nọ sau chuyến đi về thăm gia đình, nàng đã vui mừng biết bao khi bố hứa sẵn sàng mua nhà cho hai đứa ở Brno. Nhưng giờ đây trước ý kiến của mẹ Văn, rồi áp lực phía Việt Nam làm cho nàng rối bời. Bao nhiêu người bạn Tiệp đã đến và muốn cầu xin tình yêu nhưng nàng đã thờ ơ lạnh nhạt, mù quáng chạy theo tiếng gọi trái tim của người con trai xứ lạ. Những câu chuyện Văn kể về Việt Nam khiến nàng tưởng tượng ra một vùng đất hoang sơ nhưng đầy cảnh đẹp huyền bí. Nàng biết nhân dân Việt Nam vừa trải qua của chiến tranh tàn khốc nên đời sống rất khổ cực. Alena mong mình sẽ làm điểm tựa để cuộc sống của Văn sẽ khá hơn, không phải chịu đau khổ và tương lai của anh sẽ rất tươi sáng nếu có điều kiện nghiên cứu tại Tiệp Khắc. Nhưng lá thư của mẹ Văn kéo cô về với thực tại. Văn không thể ở lại đây được. Anh còn bị ràng buộc quá nhiều bởi gia đình, bởi quê hương. Hôm qua, trước khi đi thực tập ở Plzen, Văn đã gặp nàng và gửi lại lá thư chia tay:

“ Alena rất yêu dấu của anh!

Anh không đủ can đảm nói lời vĩnh biệt em. Song anh phải làm như vậy... Hãy quên anh đi Alena. Anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh không đủ dũng cảm để ở lại mãnh đất này, anh còn quê hương, còn mẹ...”. Có tiếng gõ cửa phòng. Alena ra mở cửa. Victor, người bạn trai cùng lớp luôn luôn theo đuổi cô bước vào, trên mình cậu ta khoác chiếc áo da đen, đi đôi ủng vàng rất mốt, giọng suồng sã:

- Tối thứ bảy mà cậu không đi chơi đâu à. Này, tối nay ở vũ trường Hoàng Tử có ban nhạc chơi hay lắm, mình mời cậu đến đó nhảy được không?

Alena buồn bã:

- Mình không thích đi đâu cả, cậu cứ đi đi!

Victor:

- Thất tình rồi phải không? Tớ bảo cậu rồi, đừng yêu người Việt Nam. Ho không thể ở với cậu được đâu. Đất nước họ tốn tiền cho ăn học để về làm việc, dễ gì người ta cho ở lại. Đất nước họ rất cực khổ nên nếu cho phép ở lại thì nhiều người sẽ chẳng muốn về nước đâu. Cậu thấy bao nhiêu đôi ở trường này đều phải chia tay trong đắng cay đó thôi. Bây giờ chính sách họ có thoáng hơn, trước đây mà yêu đương là người ta đuổi về nước đấy.
Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Alena:

- Victor này, mình muốn sang Việt Nam với Văn được không?

Victor kêu lên:

- Cậu điên vì tình rồi! Cậu có biết Việt Nam là thế nào không? Là nơi hàng chục năm bị chiến tranh tàn phá, không điện, không thức ăn. Chỉ có muỗi, sốt rét rừng với những sinh hoạt sơ đẳng nhất. Một thiếu nữ xinh đẹp trắng trẻo như cậu thế này sang đấy chắc nước da sẽ đen xì và tóc sẽ bị nắng thiêu cháy. Rồi những hủ tục sẽ hành hạ một cô gái ưa tự do như cậu. Tại sao cậu lại tự đầy đọa mình như thế? Cậu biết có bao nhiêu người mong ước được cậu đoái hoài đến không?

Victor khẽ thở dài, nhìn Alena với đôi mắt như van lơn, như cầu xin. Bất ngờ Victor rút trong túi ra một chiếc đồng hồ nữ màu trắng nhỏ nhắn:

- Alena ơi! Mình muốn tặng cậu chiếc đồng hồ này để cậu luôn hiểu lòng mình thương yêu cậu biết dường nào. Chỉ cần sự đồng ý của cậu là mình sẽ đưa cậu đến bên bờ hạnh phúc.

Alena biết Victor thầm mong trộm nhớ mình đã lâu nhưng hôm nay cậu ta liều lĩnh đến thế. Nàng từ chối khéo:

- Cậu cầm lấy đồng hồ này để tặng cho cô bé nào yêu thương cậu. Còn mình giờ chỉ muốn sang Việt Nam thôi. Trái tim của mình đã dành cho Văn rồi.

Victor dúi đồng hồ vào tay Alena:

- Cậu cứ cầm lấy đi dù cậu không yêu mình thì mình vẫn là bạn tốt của nhau cơ mà. Cậu thích sang Việt Nam, mình sẽ giúp cậu. Nhưng cậu muốn sang đấy thì phải học những phong tục của họ, học tiếng của họ. Mình tin họ sẽ rất vui mừng được đón cậu. Bởi bỗng dưng bỏ tiền cho đi học một người lại về được hai người. Cậu có biết ở Nhật Bản người ta còn động viên Âu hóa để nòi giống ngày một cao lên. Bây giờ có ai gọi là Nhật lùn nữa đâu.

Alena cầm chiếc đồng hồ:

- Cảm ơn chiếc đồng hồ, nhất là cảm ơn lời khuyên của cậu. Mình phải sống có nghị lực hơn. Chẳng nhẽ bao nhiêu người Việt chịu đựng gian khổ được mà mình không chịu được sao? Mình sẽ đến Plzen tìm Văn để nói cho anh ấy nghe quyết định mới của mình. Cậu ủng hộ mình nhé. Cậu sẽ là người bạn tốt của mình phải không nào?
Victor giọng buồn thiu:

- Tớ luôn luôn chờ đón những cơ hội cậu dành cho tớ. Nhưng tớ cũng sẽ hết lòng ủng hộ cậu trước mọi quyết định. (Xem tiếp kỳ sau)

Đoàn Hoài Trung


Xem tin theo ngày: