Tiểu thuyết NGỌT NGÀO VỊ ĐẮNG: Chương Tám
Ngày đăng: 14/12/2011 - 07:25:39
Tác phẩm được giải thưởng của Nhà Xuất bản Thanh niên
TÁM
Chia tay ông Vasiliép, Alena rủ Văn:
- Mình còn mấy ngày nghỉ nữa mới phải vào trường. Em muốn chúng mình chẳng quẳng nỗi lo, đi tìm một nới yên tĩnh để thưởng thức vị ngọt của tình yêu. Anh muốn đi đâu em cũng chiều.
Văn âu yếu nhìn Alena:
- Anh muốn đi tham quan danh lam, thắng cảnh Praha.
Alena vui mừng:
- Được rồi, em sẽ đưa anh đến thành phố cổ Hradchany. Anh có biết không? Đã từ lâu người ta thường mệnh danh đất nước Tiệp Khắc là “trái tim châu Âu”. Ngay từ năm 1592, người ta đã vẽ bản đồ tượng trưng của châu Âu giống như một phụ nữ quí tộc. Vương quốc Tiệp Khắc được tô màu đỏ đậm, biểu tượng trái tim người phụ nữ.
Văn và Alena khoác tay nhau đi bộ dọc sông Vơ-lơ -ta-va. Trên các triền đồi nhấp nhô như bát úp xung quanh thủ đô, hoa táo, hoa lê, hoa anh đào đua nhau khoe sắc trắng và phơn phớt hồng rực rỡ. Thủ đô Praha như được một tấm áo thiên nhiên đầy màu sắc của các loại hoa xuân bao phủ. Băng đã tan từ lâu, nước ấm hơn, các chú vịt trời, hải âu lại tíu tít tranh ăn với đàn chim thiên nga trắng muốt, dịu hiền, độ lượng. Alena thích thú bẻ bành mì vứt xuống sông. Nhiều con chim còn táo tợn đến giật bánh trên tay nàng. Khung cảnh thật thanh bình, bộ váy trắng của nàng hòa cùng màu trắng của bầy thiên nga tỏa ánh sáng dìu dịu. Khuôn mặt của nàng ửng hồng, đôi mắt long lanh. Không dừng đươc Văn thầm thì:
- Em đẹp như một nàng cộng chúa vậy, Alena!
Họ dắt nhau vào thành cổ với lối kiến trúc Gô- tích thành quách hùng vĩ. Văn say sưa nghe truyền thuyết về vị vua anh minh Caren IV:
“Caren IV vua nước Tiệp, hoàng đế của đế quốc La Mã là một ngôi sao sáng chói, một con ngời vĩ đại trong lịch sử phong kiến các nước Đông Âu thế kỷ XIV. Caren IV sinh ngày 14 tháng 5 năm 1316. Ông rất nổi tiếng không chỉ ở trí tuệ tuyệt vời mà còn ở tài năng xuất chúng trong suốt cuộc đời sôi động của mình. Ngay từ khi còn là một hoàng tử, ông đã bộc lộ mọi tố chất thông minh, linh lợi với một thân hình cân đối, khỏe mạnh với bản lĩnh kiên quyết và táo bạo. Cả triều đình phong kiến Tiệp đã coi vị hoàng tử trẻ tuổi với cái tên thánh là Va- xlap như một biểu tượng của tương lai sáng lạn và niềm hy vọng lớn lao cho vinh quang xứ sở. Ngay sau khi nối ngôi vua cha, Caren IV đã thực hiện nhiều chính sách để củng cố triều đại Lúc-xăm-bua. Ông dựa hẳn vào giáo hội và ban cho họ nhiều đặc ân. Nhà thờ lớn được xây dựng ở nhiều nơi. Giáo hoàng La Mã rất ủng hộ Caren IV. Giáo hoàng Ca-lơ-men VI đã giúp Caren IV rất tận tụy, và đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế La Mã cho Caren (1346). Ánh hào quang trên vương miện của vị Hoàng đế trẻ tuổi đã rực sáng trong suốt 32 năm. Đây cũng chính là thời hoàng kim của lịch sử phong kiến các vương quốc Xla- vơ Đông Âu. Thành thị và công thương nghiệp phát triển, thị dân ngày càng giàu có và họ là chỗ dựa thứ ba sau tăng lữ và quý tộc cho Hoàng đế Vương quốc Tiệp nằm ở vị trí trung tâm của các con đường buôn bán Bắc-Nam và Đông-Tây ở châu Âu, do vậy mà thị dân ở đây có điều kiện thuận lợi để phát triển công thương mại. Praha đã trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất Trung Âu: Đón nhận Hoàng tử từ Bennat (Bắc Ý) lên, từ Hà Lan, Bắc Đức xuống. Praha lúc này đã là thành phố lớn nhất của vương quốc Tiệp và của cả đế quốc La Mã. Sau khi trường Đại học Tổng Hợp Hoàng Gia được thiết lập thì Praha còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Trung-Âu. Người ta coi Praha là “Trái tim châu Âu” thời kỳ này.
Caren IV rất chú ý đến thị dân Tiệp. Ngay từ khi chưa chính thức lên ngôi vua Tiệp, với tư cách là quận công Mô-ra-va, Caren đã bắt đầu một kế hoạch xây dựng kinh thành Praha. Thành phố được mở rộng. Hàng loạt các nhà thờ, tu viện lớn nhỏ được tu bổ, xây dựng thêm. Lối kiến trúc Gô- tích, lối kiến trúc cao thanh thoát, thường có vòm trên mái các thánh đường để làm tăng sự cộng hưởng của âm thanh và làm tăng vẻ uy nghi, thiêng liêng của nhà thờ rất được thịnh hành ở giai đoạn này. Caren IV cho mở rộng Praha với việc xây thêm khu “Thành phố mới” với những đường phố, quảng trường, chợ búa rất đông vui, sầm uất. Lúc này Praha đã rộng đến 360 hecta với 40.000 dân. Caren cho phép thương nhân, thợ thủ công từ các vùng lân cận ngoại thành, hoặc cả khu “Thành cổ” (tức là khu thành thị trước năm 1348) có thể đến khu phố mới xây dựng để sinh cơ lập nghiệp. Tất cả các thị dân mới di cư đến đều được miễn sưu dịch và các đảm phụ trong suốt 12 năm đầu. Các loại hàng xuất nhập cảnh đều chịu thuế rất nhẹ. Cầu Caren được xây dựng vắt ngang sông Vơ-lơ-ta-va. Chính hoàng đế Caren IV là người đặt viên đá đầu tiên cho việc khởi công xây dựng cầu. Các thương nhân, sứ giả ở Ý đến cung đình để bàn kế hoạch mỡ rộng quan hệ buôn bán giữa Ý và Tiệp và với Bắc Âu. Nói chung, Caren IV đã thành công trong việc tạo cho vương triều mình một cơ sở kinh tế phồn thịnh, một tầng lớp thị dân, quý tộc và tăng lữ trung thành. Với sự ủng hộ của lực lượng xã hội này, với tài năng thiên bẩm riêng biệt trên chiến trường, Caren IV đã thực hiện những chính sách đem lại sự vinh quang cho cá nhân mình, cho hoàng tộc Lúc-xam-bua kiêu hãnh. Caren IV đã góp phần quan trọng để viết nên những trang sử đẹp đẻ, đáng tự hào cho lịch sử các dân tộc Tiệp Khắc và sáng lập nên cả một giai đoạn hoàng kim rực rỡ cho các dân tộc Xla-vơ Đông Âu trong đế quốc La Mã. Nền tảng cho một tư tưởng chính trị của Caren IV là xây dựng đế quốc La Mã thần thánh hùng cường với truyền thống các dân tộc Giecman và truyền thống Morava và Praha là trái tim của cả đế quốc. Và do vậy từ thời kì trị vì của Caren IV, Praha đã bắt đầu trở thành biểu tượng rực rỡ của xứ Bô-hêm. Phố xá, quảng trường, chợ búa, cung điện, nhà thờ, nhà hát,… được mọc lên san sát với nhiều ngọn tháp cao vút. Praha từ đó còn được gọi là “Thành phố trăm tháp”. Kinh thánh được dịch ra tiếng Tiệp và được công bố rộng rãi.
Ngày 7-4-1348, Giáo hoàng Cơ-lê-men VI cho phép Caren IV xây dựng trường Đại học tổng hợp ở Praha. Trường được xây dựng theo khuôn mẫu của trường Tổng hợp Pari. Các giáo sư phần lớn là các tăng lữ có trình độ học vấn cao. Đây là trung tâm văn hóa lớn nhất của đế quốc La Mã, bao gồm đầy đủ các khoa học thần học, sử học, y học, văn học, sư phạm, âm nhạc,…(trường này mang tên trường Tổng hợp hoàng gia Caren, hay còn gọi là trường Đại học tổng hợp Sác-lơ). Năm 1349, nhà trường đã làm lễ phong học vị đầu tiên cho các sinh viên tốt nghiệp. Năm 1366, đã có những ký túc xá cho sinh viên. Năm 1400 đã tiếp nhận nhiều sinh viên ngoại quốc đến du học. Vào giai đoạn này, Gian Hut, nhà cải cách nổi tiếng là Chủ nhiệm Khoa Thần học, về sau ông được bầu làm Hiệu trưởng của trường. Bộ luật cũng được xuất hiện vào năm 1351. Đó là hiến pháp cai trị mà Caren IV đã kết hợp những luật lệ cũ và những tư tưởng mới để thực hiện.
Chính sách đối nội và đối ngoại của Caren IV nói chung ôn hòa, mềm dẻo. hoặc là ngoại giao khôn khéo, hoặc bằng quan hệ hôn nhân mà Caren IV đã giữ vững được sự ổn định, thái bình. Đời tư Caren IV cũng đầy những thiên tình sử mà mỗi cuộc hôn nhân đều vì mục đích chính trị. Hoàng tử Vaxlap, khi tròn một tuổi đã hứa hôn với nữ bá tước Xvitka, 11 tuổi và là người thừa kế vùng Xlêt-xkô, sát biên giới đế quốc. Nhưng rồi Thái tử chết và Thái hậu cũng từ trần vì đau buồn. Caren IV cưới bà vợ thứ hai nhưng không có con trai. Hoàng hậu thứ hai cũng qua đời. Bấy giờ nữ bá tước Xvitka mới 13 tuổi. Với tư cách là hoàng đế La Mã, Caren đã ngỏ lời cầu hôn với nữ bá tước Xvitka, người mà trước đây đã hứa hôn với con trai mình. Một năm sau, hôn lễ được cử hành khi Caren IV đã 46 tuổi còn nữ bá tước xinh đẹp Xvitka mới 14 tuổi. Và vùng Xlet-xkô về tay Caren IV. Biên giới vương quốc Tiệp thời Caren IV được mở rộng gồm cả xứ Bô-hem, Môrava-Xlet-xkô thượng và hạ, Lurixe…, còn lãnh thổ đế quốc La Mã thì mênh mông gồm Tiệp, Bắc Ý, Áo, Hung, Bỉ, Hà Lan và Đức.
Năm 1378, Caren IV mất. Từ đây lịch sử Bô-hêm nói riêng và đế quốc La Mã nói chung bước vào thời kỳ phức tạp đầy những biến động. Thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Đông Âu đã chấm dứt.
Bằng cả cuộc đời, bằng ý chí, tài năng và nghị lực phi thường, Ca-ren IV đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị khắp Trung Đông Âu. Đây là giai đoạn thái bình thịnh trị mà trong đó các dân tộc Xla-vơ đã đạt được những thành tựu lớn lao trong mọi lãnh vực ; tên tuổi, sự nghiệp của Ca-ren IV gắn liền với lịch sử của các dân tộc Xla-vơ Trung Đông Âu. Do vậy nửa đầu thế kỉ thứ XIV thường được các sử gia gọi “Thời đại Ca-ren IV’ để tưởng nhớ và ghi nhận công lao vĩ đại của một vị Hoàng đế kiệt xuất.
Rời thành cổ Hradchany, Văn và Alena xuống thăm cầu Ca-ren với hàng chục pho tượng đầy vẻ huyền bí trên hai thành cầu. Bên kia cầu Ca-ren có một tòa nhà lớn đường bệ. Đó chính là trụ sở của trường Đại học Tổng hợp Hoàng gia mang tên vị hoàng đế vĩ đại Ca-ren IV. Văn và Alena chìm đắm trong truyền thuyết về trường đại học tổng hợp đầu tiên này:
“Chế độ phong kiến của vương quốc Tiệp và của đế quốc La Mã thời Ca-ren IV đã phát triển đến giai đoạn toàn thịnh. Pra-ha đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả đế quốc La Mã. Do vậy, việc thành lập một trường đại học ở kinh thành Praha ngày càng trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với thị dân và quí tộc. Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Ca-ren IV đã nhiệt thành đề nghị với Giáo hoàng Ca-lê-men VI cho phép xây dựng trường Đại học. Bấy giờ nền văn hóa, giáo dục ở vương quốc đã khá phát triển…Khắp các địa phương đã có các trường trung học. Ở Praha đã có 15 trường tiểu học và trung học. Trong khi đó ở Viên (Thủ đô nước Áo) chỉ có 4, ở Ca-ra-lốp (Thủ đô tiểu Ba Lan) có 5, ở Nu-rem-bec (Trung tâm kinh tế lớn của Vương quốc Đức) cũng chỉ có 4. Bấy giờ chỉ có vài trường Đại học ở các vương quốc phong kiến lớn ở Tây Âu, như trường Tổng hợp Pa-ri (Pháp), Oc-phót (Anh). Hằng năm con em các gia định quý tộc hoặc thị dân giàu có thường được gởi tới đấy theo học. Đầu thế kỉ XIV, vương quốc Tiệp có tới 30 sinh viên du học ở các trường đại học này.
Rồi vào môt ngày đầu xuân ấm áp (1-4-1348) trong cuộc hợp mặt thường kỳ của Thượng viện vương quốc Bô-hêm tại thành Hơ-rat, Hoàng đế Ca-ren IV đã long trọng tuyên bố Giáo hoàng đã chuẩn y việc thành lập trường Đai học Hoàng gia. Sắc lệnh này được nhanh chóng tuyên bố trước công chúng. Quí tộc và thị dân Praha rất vui mừng. Trường Tổng hợp Hoàng gia ra đời sẽ làm tăng niềm kiêu hãnh cho quê hương xứ sở. Mọi việc tổ chức xây dựng trường sở, rước mời các giáo sư và các danh nhân nổi tiếng từ khắp các nơi về Praha được tiến hành rất khẩn trương. Triều đình Luc-xem-bua (Hoàng đế Ca-ren IV họ Luc-xem-bua), theo đề nghị của Hoàng đế đã hào hiệp tặng cho trường một tòa lâu đại đồ sộ 5 tầng nằm cách hoàng thành 1 km, bên bờ sông Vơ-lơ-ta-va xinh đẹp. Tòa nhà này được chọn làm trụ sở chính của trường. Sau đó hàng loạt các nhà thờ, tu viện lớn ở kinh thành được chọn làm giảng đường, được chọn làm nơi ăn chốn ở của các giảng viên và sinh viên. Chẳng hạn nhà thờ thánh Vi-ta ở Ma-lô-xtơ-ran-xca, nhà thờ Ma-ri-a….Đến đầu tháng 4-1349, bốn khoa của trường được chính thức thành lập. Khoa Thần học, khoa Luật, khoa Y và khoa Nghệ Thuật. Hồi bấy giờ, theo quan niệm chung của xã hội thì khoa Thần học là khoa danh giá nhất. Sinh viên của khoa này thường là con em quý tộc, tăng lữ và chức sắc cao cấp của Giáo hội…. Khoa nghệ thuật thì gồm rất nhiều ngành đa dạnh: ngữ ngôn, sử học, sư phạm,âm nhạc, nghệ thuật…tất cả những giảng viên của trường đều là những tri thức có học hàm, học vị như giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ: những danh hiệu này gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của mỗi người, truyền thống này vẫn được gìn giữ mãi đến nay (ở châu Âu người ta thường viết học vị, học hàm cùng với họ tên của mỗi cán bộ trong tất cả các văn bản,giấy tờ). Giáo hoàng Cơ-lê-men VI ban chỉ dụ làm lễ khai trường vào ngày 15-1-1349. Mấy tháng trước, Hoàng đế Ca-ren IV đã cho sứ thần dâng danh thiếp mời các vị giáo sư, bác sĩ danh tiếng từ khắp mọi nơi: Pháp, Hà Lan, Đức, Ý. Ngày cắt băng khánh thành đã đến, trời lạnh 25 độ dưới 0 nhưng trong cung Ca-rô-lin không khí vẫn ấm áp, náo nhiệt. Những chùm đèn lồng sang trọng, rực rỡ tỏa sáng. Bản thánh ca quen thuộc du dương trầm bổng. Những chiếc bàn dài phủ khăn theo trắng muốt. Các đại thần trong triều đình, các tăng lữ, giáo sư được mời đến dự lễ đang lục đục kéo về đây. Tất cả trong lể phục sang trọng, áo thụng dài đen, mũ và giày ủng màu đen. Có tới 200 các quan khách, các bậc danh nhân được mời đến. Khi bản thánh ca vừa dứt, Tổng giám mục Praha trang trọng trong chiếc áo thụng đỏ, đại diện cho Đức Giáo hoàng Cơ-lê-men VI trịnh trọng tuyên bố trước các quan khách: trường Đại học Tổng hợp xứ Bô-hêm được thành lập và mang tên Hoàng đế Ca-ren vĩ đại! Đám quý tộc và tri thức Bô-hêm không giấu nổi xúc động và niềm kiêu hãnh trên nét mặt, sau đó Hoàng triều mở tiệc mời tất cả quan khách. Người ta tụ tập nhau thành từng nhóm sôi nổi bàn luận. Đám cận thần ra sức tán dương công sức của Hoàng đế Ca-ren IV; các học giả danh tiếng được mời đến thì say sưa bàn luận về những học thuyết và định luật nào đó. Các thị nữ xinh đẹp bưng ra những đĩa hoa quả quý của xứ Bô-hêm như táo, lê, mận. Các loại hoa quả này được cất giữ dưới hầm sâu nên hương vị vẫn còn ngào ngạt. Rồi các loại rượu ngon được đem mời khách. Năm 1349, lần đầu tiên nhà trường làm lễ phong học hàm, học vị cho các học viên của trường đại học tại lâu đài Ca-rô-lin. Từ đó đến nay lâu đài này đã trở thành nơi truyền thống mà Nhà nước Tiệp Khắc tổ chức các buổi lễ phong học hàm, học vị cho các cán bộ khoa học và các sinh viên tốt nghiệp. Các buổi “Prô-mô-xe” này cho tới nay vẫn được tiến hành theo nghi thức có cả các học viên, các học giả danh tiếng trang trọng trong áo thụng đen và được mời lên ghế danh dự. Tất cả những người được phong đều mặc quần áo đại lễ, hoặc com-lê đen, hoặc xiêm áo dài sát đất rất sang trọng. Các bà, các bô còn trang sức lộng lẫy như các bà hoàng thời cổ. Thân nhân và bè bạn tới dự, ai cũng ăn mặc thật đẹp và trang trong. Họ thường đem theo hoa tươi hoặc các tặng phẩm để tặng những người thân của mình. Đứng giữa lễ đài, một vị giáo sư lớn tuổi mặc áo thụng đỏ, tay cầm chiếc gậy bịt đồng lấp lánh, tượng trưng cho hình ảnh Đức giáo hoàng. Những người được tặng chứng chỉ của mình…Sau đó cũng theo thứ tự, từng người một kính cẩn đặt bàn tay phải của mình lên đầu chiếc gậy trong giây lát. Nghi thức này được coi như là biểu tượng truyền thống, nói lên lòng quyết tâm phấn đấu mãi mãi cho sự nghiệp vinh quang. Bản thánh ca nào đó cất lên du dương trầm bổng mà trang nghiêm từ trên lầu vọng xuống như để chúc mừng và ca ngợi thành tích của mỗi người. Những người được nhận ống quyển nét mặt rạng rỡ, xúc động tiến về phía người thân của mình. Những bó hoa tươi thắm, những cái bắt tay thân thiết, những cái hôn nóng bỏng…Máy ảnh chớp lia lịa. Rồi từng tốp rủ nhau vào quán cà phê hoặc hàng ăn đâu đó cùng ăn uống mừng ngày vui của cuộc đời. Ngay sau khi nhận bằng đại học, người ta sẽ gọi họ rất trọng vọng là các ông, các bà. Xã hội Tiệp Khắc rất coi trọng học vị.
Sinh viên từ khắp nơi được gửi đến đây theo học. Họ từ Phổ, Lít-va, Áo, Ba Lan, Đức, Hà Lan và cả từ Pháp, Anh tới. Nói chung các giáo sư người Đức thường giữ những cương vị lãnh đạo trong nhà trường và ở các bộ môn. Sinh viên Đức ở đây học tập rất đông và họ được ưu ái. Các giảng viên, sinh viên của Tiệp thường bị coi thường và chèn ép. Do vậy đầu thế kỷ XIV, phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của các giáo sư và sinh viên Tiệp Khắc trong trường bùng nổ rất mạnh. Nhà trường đóng một vai trò lớn trong việc phát triển văn hóa giáo dục. Đến năm 1378, trường đã đào tạo được 8.000 sinh viên tốt nghiệp, một đội ngũ trí thức đáng kể cho đế quốc La Mã và một vài nước Tây Âu nữa. Hoạt động văn hóa của trường rất phong phú. Những tư tưởng mới tiến bộ về con người, về thế giới được bàn luận sôi nổi trong các cuộc thuyết trình và hội thảo của các giáo viên, sinh viên trong trường. Ngoài việc giảng dạy, các giáo sư còn có đóng góp quan trọng việc sáng tác thơ, văn, âm nhạc và dịch thuật. Nhiều tác phẩm văn học, sử học có giá trị đã xuất hiện. Chẳng hạn Cuộc đời của Giáo hoàng, Cuộc đời của Giê-su, Niềm vui của Đức Bà Ma-ri-a…Nói chung trong các tác phẩm này, cuộc đời của các thánh thần, từ Giê-su đến Đức Mẹ đồng trinh, từ Giáo hoàng cho đến các tăng lữ đều được “trần tục hóa”, phóng khoáng và gần gũi với con người trần thế. Dù thánh nhân hay kẻ tu hành đều có những tình cảm buồn vui, đau khổ hay sung sướng của đời người. Phơ-răng-ti-sec (František) đã viết được bộ biên niên sử có giá trị về thời Ca-ren IV. Các học giả về ngôn ngữ của trường đã có những đóng góp lớn để làm phong phú,trong sáng và hoàn thiện ngôn ngữ dân tộc. “Trường phái Praha” đã xuất hiện từ thời kỳ này. Các bài thánh ca cổ kính trang nghiêm được các nhạc sĩ cải biên nên rất gần gũi ,êm dịu, phù hợp với tập quán của người dân Bô-hêm. Cho đến ngày nay, các bản thánh ca vẫn được vang lên du dương trầm bổng mà ấm áp trong các buổi cầu nguyện hoặc các ngày lễ thánh ở các giáo đường.
Thời đại Ca-ren, thời kỳ hoàng kim chói lọi của chế độ phong kiến Bô-hêm và các nước Trung Đông Âu đã tạo nên một cơ sở vững chắc về kinh tế, chính trị cho một nền văn hóa tinh thần đơm hoa kết trái ngọt ngào. Sự thành lập trường Đại học Tổng hợp Hoàng gia Ca-ren là biểu tượng đẹp đẽ để đánh dấu giai đoạn toàn thịnh của vương quốc phong kiến Tiệp Bô-hêm”.
Chiều tối, Văn và Alena đến quán bia U Fleku ở phố Kremencova, quận 1 Praha. Đây là quán bia lâu đời nổi tiếng ở Tiệp Khắc, khai trương từ năm 1499, nghĩa là nó đã gần 500 tuổi. Nhà hàng này chỉ phục vụ bia đen. Alena cũng như rất nhiều phụ nữ Tiệp Khắc rất thích uống bia đen, vì họ cho rằng bia đen làm cho phụ nữ đẹp lên. Khi họ đến quán, trời đã mờ tối, trong quán không khí ồn ào náo nhiệt bởi đủ loại khách, đặc biệt rất nhiều khách du lịch. Hầu như ai đến Praha cũng cố đến thưởng thức bia đen ở đây mà không nơi nào trên thế giới có được. Bia đen được nấu bằng đại mạch rang cháy. Kỹ thuật rang chỉ có người Tiệp Khắc có nghề mới biết cách sao tẩm các hương vị. Alena kéo tay Văn qua các bàn ngồi kín chỗ, tới một cánh của gỗ cổ kính có biển để: “Bảo tàng U Fleku”. Mở cánh cửa gỗ, hai người theo bậc thang xuống một hầm sâu. Sau khúc cầu thang hóa ra một căn phòng mênh mông chứa được hàng trăm khách. Ánh đèn vàng với cách bài trí cổ kính tạo một không khí ấm cúng lạ thường. Alena chọn một chỗ ngồi kín đáo:
- Hôm nay chúng mình phải thưởng thức các loại bia đen.
Văn hơi ngạc nhiên:
- Anh mới chỉ thấy một loại bia đen với nồng độ khác nhau.
Alena vui vẻ:
- Đúng rồi, anh đi các nơi khác chỉ có một loại, còn ở đây có ba loại tất cả. Loại nhẹ gọi là bia tốt, nước đùng đục như màu khói. Loại nặng hơn là bia đen, hương vị nó đậm và thơm nồng, màu như cô ca cô la. Còn loại nữa gọi là “bia con chó”, bia đặc sánh như nước mật ong. Loại này chỉ dùng cho đàn ông vì độ cồn tương đối cao.
- Anh nghiên cứu về bia mà bây giờ mới biết điều đó. Em thích loại bia gì?
Alena hào hứng:
- Tất nhiên là em thích uống bia đen rồi, bởi uống bia đen sẽ làm da em đẹp ra, bộ ngực sẽ phát triển để anh yêu em mãi. Còn anh nên uống bia con chó, loại đó sẽ cho anh lòng can đảm của người tráng sĩ để đưa em đến bến bờ của hạnh phúc.
Văn không biết nói gì hơn, chỉ còn biết nắm bàn tay mềm mại của Alena và nhìn say đắm vào đôi mắt long lanh…
…Tham quan hết danh lam thắng cảnh Praha, Alena lại rủ Văn đi thăm cảnh đẹp thiên nhiên. Họ tìm đến hồ Lipno, nơi người Tiệp gọi là biển của Tiệp Khắc. Một điều người dân Tiệp Khắc luôn luôn khao khát là được ra biển. Nước Tiệp Khắc nằm ở trung tâm châu Âu, xung quanh họ là Nga, Đức, Ba Lan, Áo, Hungari. Muốn đến được biển phải qua nước khác. Bù lại thiên nhiên ban tặng cho hồ Lipnô rộng mênh mông. Đây cũng là một trong những hồ lớn nhất thế giới. Xung quanh hồ là những rừng thông, những triền đồi thoai thoải. Tiết trời lúc đó đã sang xuân, cỏ cây đang nhú mầm xanh khắp nơi. Những khu rừng hôm qua còn là những cành cây khẳng khiu khô cằn mùa đông tuyết phủ thì hôm nay đã đầy lộc. Xung quanh hồ người ta dựng những ngôi nhà gỗ nhỏ cho các gia đình đến đây nghỉ cuối tuần. Họ thuê một ngôi nhà ngay sát mép nước, xung quanh có nhiều cây cao xanh. Mùa này khí trời vẫn còn lạnh nên người ta chưa đến đây nghỉ nhiều. Không gian hoàn toàn yên tĩnh, chỉ có đôi tình nhân đang say men tình yêu. Văn khoác vai Alena đi dọc bờ hồ, những cơn gió xuân làm tung mái tóc vàng của nàng. Văn mặc chiếc áo khoác màu ghi dài đến đầu gối. Alena mặc chiếc váy màu hồng nhạt hai dây khoe đôi vai trần trắng muốt. Đến một thảm cỏ cô đột ngột giựt tay Văn ra, nói như reo:
- Đố anh đuổi được em……!
Chiếc váy của nàng tung lên khoe đôi chân thon, dài. Văn đuổi kịp Alena, cả hai cùng ngã trên thảm cỏ. Họ như quên hết mọi lo lắng trên đời, nằm với nhau trên bãi cỏ, mắt nhìn mắt, tay nắm tay, suối tình trào dâng. Giữa hai nụ hôn, Alena khẽ hỏi:
- Anh có yêu em nhiều không?
Văn gật đầu. Alena thầm thì:
- Em hạnh phúc quá! Anh chính là nguồn sống của em.
Văn siết chặt vòng tay:
- Nhắm mặt lại em!
Alena ngoan ngoãn nhắm mắt như chờ đón một nụ hôn dài sâu. Văn lấy trong túi một hộp nhung mầu đỏ trong đựng chiếc vòng cẩm thạch, kỷ vật của mẹ cho anh trước khi lên đường:
- Nào công chúa mở mắt ra!
Alena mở mắt, reo lên:
- Trời ơi, anh có chiếc vòng ở đâu đẹp vậy!
Cô cầm lấy, ngồi dậy ngắm nghía.Trong ráng chiều, những tia nắng làm chiếc vòng lung linh sắc màu ngọc bích. Văn âu yếm:
- Đây chính là kỷ vật của mẹ trao cho anh. Mẹ có dặn nó sẽ theo anh suốt cuộc đời. Nếu có tặng ai thì chỉ tặng người mà sau này là vợ của anh. Hôm nay anh muốn tặng em chiếc vòng này, như một điều khẳng định tình yêu bất diệt mà anh dành cho em.
Alena sung sướng:
- Cảm ơn anh nhiều! Chiếc vòng như trái tim anh sẽ ở bên em mãi mãi.
Cô quan sát chiếc vòng rồi thốt lên:
- Anh Văn, trên chiếc vòng có hai vân đỏ tựa như hai giọt máu vậy.
Văn bồi hồi:
- Chiếc vòng này anh nghe kể đã có rất lâu đời, từ cụ tổ nhà anh. Cụ là người thợ kim hoàn tài ba. Cụ bà mất sớm, cụ đau lòng đi lên núi tìm được hòn đá cẩm thạch. Cụ đã gọt giũa làm nên chiếc vòng này, hai giọt máu chính là máu từ tim, từ tình yêu của cụ. Cha anh đã tặng chiếc vòng cho mẹ của anh trong đêm tân hôn. Chiếc vòng đã đi cùng mẹ theo năm tháng. Khi cha anh hy sinh, mẹ kể mẹ đã linh tính khi nhìn thấy chiếc vòng tự nhiên trở nên đùng đục và hai giọt máu đỏ thắm này như mới từ tim ai chảy xuống….
Alena cầm tay Văn đứng dậy:
- Chúng mình về nhà nghỉ đi, em có quà cho anh.
Hai người chạy tung tăng trong những tia nắng nhạt dần trên đồng cỏ. Mặt nước ánh lên những ánh bạc. Vào phòng, Alena lấy trong túi ra một dây chuyền bạc trắng, ở giữa có chiếc khánh nhỏ hình tim. Văn mở chiếc hộp ra đã thấy hình Alena một bên và hình Văn một bên:
- Em muốn tặng anh chiếc khánh bạc này để em được theo anh suốt cuộc đời. Bây giờ chúng mình làm lễ ăn thề được không anh?
Không chờ Văn đồng ý, Alena lấy ra một chai rượu Ông già má đỏ và một con dao nhọn. Bóng chiều nhập nhoạng, Alena châm ngọn nến, ánh sáng leo lét trong căn phòng. Cô lấy một chiếc ly đặt lên bàn rót rượu vào. Văn ngạc nhiên:
- Em làm gì vây?
Gương mặt của nàng nghiêm nghị:
- Em muốn được thề nguyện cùng anh và thành hôn với anh đêm nay.
Rồi cô cầm lấy con dao gí vào tay Văn:
- Cứa tay em đi!
Văn ngần ngại, Alena cầm tay Văn gí dao vào cổ tay trái cứa mạnh. Một dòng máu chảy ra,cô cầm lấy ly rượu hứng vào. Alena cầm tay phải của Văn cứa mạnh cho dòng máu của Văn cùng chảy. Nửa ly rượu trắng giờ đây đã chuyển sang màu đỏ tươi. Cô cầm lấy ly rượu thề:
- Alena sẽ yêu Văn suốt đời! Văn cũng sẽ yêu Alena suốt đời, nếu một ai phản bội thì người đó sẽ bị trời tru đất diệt!
Văn cũng thề như Alena rồi uống một nửa. Alena cầm nữa ly còn lại uống nốt.
- Thế là từ nay trong em có máu của anh và trong anh có máu của em. Chúng mình tuy hai mà một, mãi mãi bên nhau anh nhé.
Cả hai cùng băng tay cho nhau, nỗi đau vết thương không làm niềm hạnh phúc bớt đi. Alena vụt như con sáo:
- Em muốn đêm nay là đêm tân hôn của chúng mình!
Văn gật đầu cúi xuống hôn lên bờ môi thơm ngọt của Alena. Nàng nhắm mắt lại tận hưởng hương vị đầu mùa của tình yêu. Mái tóc của nàng mềm mại như tơ, vàng óng trong đêm. Đôi mắt của nàng xanh thăm thẳm nhìn Văn đắm say. Văn và Alena đã yêu nhau một thời gian dài và đó là tình yêu trong trắng. Trước đây họ chỉ trao yêu đương trong ánh mắt, trong những nụ hôn dài. Hay họ ngồi bên nhau hàng giờ trong công viên hay rừng cây trò chuyện. Mỗi ngày không gặp nhau họ lại cồn cào trong nỗi nhớ. Nhưng cả hai muốn giữ gìn tình yêu thật đẹp, muốn những điều thiêng liêng giành cho đêm tân hôn. Song đêm nay trong niềm cảm xúc dâng trào, Alena muốn hiến dâng tất cả cho Văn để từ nay có thể cùng anh đi trên con đường chông gai của cuộc sống. Họ yêu nhau, cây cỏ thì thầm, dòng nước reo vang. Mùa xuân đang tỏa hương thơm của đất trời cho đôi tình nhân. (Xem tiếp kỳ sau)
Đoàn Hoài Trung
Các tin khác:
- CHUYỆN TÌNH BÊN DÒNG SÔNG VLTAVA(01/06/2020 - 08:51:59)
- Bàn thờ nhỏ, Nghĩa tình lớn(27/07/2019 - 00:00:00)
- Những tiếng nói (10/01/2018 - 00:00:00)
- TETREV(30/12/2017 - 00:00:00)
- Rượt theo Premek Bástyr(16/12/2017 - 00:00:00)
- Ngày chủ nhật nóng nực(13/12/2016 - 01:33:00)
- Văn hóa có phải là tài sản…(03/11/2016 - 00:00:00)
- Sách “Giữa đất trời Âu”: Thấy đậm hồn Việt(18/12/2014 - 11:32:47)
- PRAŽSKÉ POVĚSTI ČTOU I VE VIETNAMU(02/11/2013 - 10:49:59)
- Mừng kỷ niệm 95 năm Quốc khánh CH Séc : Những cảm nhận khó quên từ Praha(19/10/2013 - 08:41:49)