Ngày đăng: 13/08/2013 - 13:59:04
Ngày 7.8.2013, tại Praha, hai tác phẩm dịch tiếng từ tiếng Việt sang tiếng Séc và từ tiếng Séc sang tiếng Việt do hai tác giả Đại từ diển Giáo khoa Séc – Việt chuyển ngữ, đã được chính thức ra mắt. Đó là các cuốn:
1) „Dế Mèn phiêu lưu ký“ của nhà văn nổi tiếng Tô Hoài, được dịch giả Ivo Vasiljev dịch sang tiếng Séc dưới tiêu đề „Cvrčkovy dobrodružné toulky“ - minh họa của Đoàn Thục Quyên, NXB Fornica Graphics 7.2013.
2) „Bílej kuň, žlutej drak“, ban đầu được gắn tên tác giả là Lan Pham Thi. Cuốn sách đã giành giải nhất của Giải Câu lạc bộ sách CH Séc năm 2009 và đã từng gây nhiều tranh cãi trên văn đàn Séc về tính xác thực của tên tác giả. Cuối cùng đã phát hiện tác giả đích thực là nhà văn Séc Jan Cempírek. Cuốn sách này đã được dịch giả Nguyễn Quyết Tiến chuyển ngữ sang tiếng Việt dưới tiêu đề „Bạch Mã – Hoàng Long“, NXB Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 4.2013.
Chặng đường đi của hai tác phẩm dịch:
1) Dế Mèn phiêu lưu ký:
Nếu xét về tuổi tác thì ngày nay chúng ta phải coi nhân vật chính trong truyện là „cụ Dế Mèn“ vì nhà văn Tô Hoài đã sáng tạo nên Dế Mèn này vào năm 1940 và nhà ngôn ngữ học Ivo Vasiljev đã dịch từ nguyên bản tiếng Việt sang tiếng Séc vào năm 1964. Đến nay, 49 năm sau ngày dịch, tác phẩm mới được ra mắt bạn đọc ở Séc là vì nhiều lí do:
Dịch giả Ivo Vasiljev kể: „Câu chuyện bắt đầu có vẻ hơi buồn cười. Ngày ấy, một vị tổng biên tập của Nhà xuất bản sách văn học dành cho thanh niên trong chuyến đi công cán nước ngoài đã tình cờ gặp một họa sĩ có tranh vẽ minh họa cho một cuốn sách vừa mới được dịch sang tiếng Nga „Cuộc phiêu lưu của con châu chấu tên Men“. Chuyện qua chuyện lại, hình như trong lúc chạm cốc vui vẻ, vị tổng biên tập đã hứa đại với chàng họa sĩ kia là sẽ cho xuất bản cuốn sách ấy ở Praha cùng với những tranh minh họa của chàng về chú châu chấu đáng yêu... Bản dịch tất nhiên phải được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Việt và người được mời làm việc này là tôi, khi ấy đang là nghiên cứu sinh Việt Nam học năm thứ ba.
Câu chuyện lập tức cuốn hút tôi và tôi quyết tâm sẽ chuyển ngữ nó sang tiếng Séc một cách trung thực nhất. Nhưng quả thực không phải là dễ dàng khi phải xác minh ngần ấy tên các loại sinh vật sống ở vùng thiên nhiên nhiệt đới Việt Nam xa xôi, rồi phải đặt cho chúng những tên gọi sao vừa chính xác vừa gần gũi để các bạn đọc trẻ ở Séc có thể hiểu được. Tôi đã dành nhiều thời gian vào Thư viện của Viện bảo tàng Quốc gia để cặm cụi đọc nhiều trang trong công trình lớn về Côn trùng học của giáo sư Obenberger.
Tôi rất vui mừng tự hào với kết quả của mình. Chỉ có điều tôi không thể lờ đi rằng, cái con sinh vật nhỏ mà ai đó đã nhầm là châu chấu có tên „Men“ ấy trong tiếng Việt chính là con dế mèn. Ngay cả cách sống côn trùng của chú nhân vật chính mà tác giả đã miêu tả ấy cũng đích thực là của dế mèn. Ở nước chúng ta việc soạn sách văn học cho trẻ em là một việc hệ trọng. Sách dành cho các em không được phép có những thông tin sai lệch. Vì thế tôi đã mạnh dạn lưu ý về sự không cân xứng giữa các tranh minh họa và nội dung của cuốn sách này. Vị tổng biên tập của nhà xuất bản thanh niên vốn đã chẳng hề có kế hoạch in sách văn học cho thiếu nhi đã thở phào nhẹ nhõm, ông ta đã vớ ngay được cái cớ rất hợp lí để rút lui khỏi lời hứa hão với chàng họa sĩ nọ mà vẫn không mang tiếng thất hứa“
Một vài lần nữa, dịch giả đã mang bản thảo đến gõ cửa các nhà xuất bản khác, nhưng vì nhiều lí do khác nhau, họ đều từ chối.
Cho đến năm 2010, khi hai đồng tác giả Đại từ điển Giáo khoa Séc-Việt bàn luận về kế hoạch soạn thảo từ điển họ mới phát hiện bản thảo dịch Dế Mèn này đã bị bỏ quên trong kho sách cũ. Họ đã cùng nghiên cứu, chỉnh sửa lại và mua bản quyền của NXB Kim Đồng và quyết tâm cho ra mắt độc giả ở Séc tác phẩm giá trị này.
2) „Bílej kuň, žlutej drak“ : ra mắt năm 2009 dưới tên tác giả Lan Pham Thi. Cuốn sách đã giành giải nhất Giải Câu lạc bộ Sách CH Séc. Nhưng chính giải nhất này đã làm dấy lên sự nghi ngờ về tính xác thực của tác giả.
Xin trích lại một đoạn giới thiệu khi sách mới ra đời:
Theo hãng thông tấn CTK của Cộng hòa Séc, nữ tác giả 19 tuổi gốc Việt, Lenka Phạm vừa đoạt giải thưởng Văn học lần thứ 14 của câu lạc bộ Sách dành cho các tác phẩm chưa xuất bản.
Lenka Phạm (tên Việt: Phạm Thị Lan) là con gái của một người Việt Nam định cư tại Cộng hòa Séc. Cô nhận được giải thưởng cho tác phẩm "Ngựa trắng, rồng vàng" viết về sự phân biệt chủng tộc và cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc.
Mặc dù ở Cộng hòa Séc có hàng chục giải thưởng văn học nhưng rất ít giải là của các nhà xuất bản, chưa tính tới việc hầu hết các giải đều dành cho những tác phẩm đã xuất bản.
Được biết, trong lịch sử 14 lần trao giải từ trước đến nay của câu lạc bộ sách, mới chỉ có 3 tác giả nữ chiến thắng. Phạm Thị Lan không chỉ là tác giả đầu tiên không phải người gốc Séc, người Việt Nam đầu tiên mà còn là tác giả trẻ tuổi nhất từ trước đến nay nhận được giải thưởng này.
Trích một số bình luận trên báo chí Séc:
„Theo ý kiến của một thành viên trong ban giám khảo, ông Pavel Janáček, mặc dù bản thảo rất ngắn nhưng chứa đựng nhiều yếu tố đối lập đến ngạc nhiên. Một thể loại truyện ngắn hiện đại kết hợp với những truyền thuyết cổ xưa. Lời văn được sử dụng nhiều thứ tiếng khác nhau của các tầng lớp khác nhau ngay cả trong tiếng Czech.
Chủ tịch Hội đồng giám khảo Ivan Binar bổ sung: chất lượng lời văn hay đến nỗi nhiều tác giả người gốc Czech phải ghen tị với cô gái Việt trẻ tuổi này. Vì thế ban giám khảo đã đi đến thống nhất trao giải cho thế hệ thứ hai của những người VN di cư để góp phần làm phong phú thêm văn hóa chữ viết của Czech và nền văn học Czech đương đại, một sự đột phá đã phải chờ đợi rất lâu mới có được“.
„Cuốn sách dùng rất nhiều từ VN và mô tả nhiều truyền thống giúp người đọc gần gũi hơn với cộng đồng tương đối kín đáo này. Hội đồng giám khảo đã bị cuốn hút bởi cách diễn đạt khôn khéo, ngắn gọn, phối hợp nhịp nhàng các yếu tố ngôn ngữ khác nhau và sử dụng đúng mực các ngôn ngữ đời thường, dám nhìn thẳng vào cuộc sống cũng như những kinh nghiệm của bản thân“.
Trong suốt mấy tháng trời trên văn đàn các bài bình luận đều đặt ra một câu hỏi: một cô gái Việt Nam - một tài năng văn học lớn đang ẩn mỉnh ở đâu. Người ta chỉ biết rằng: „Tác giả cuốn sách không thể đích thân đến nhận giải vì đang học đại học ở Malaysia. Và thậm chí cô sẽ cùng gia đình chuyển sang Mỹ vì lý do kinh doanh. Khi công bố giải thưởng, ban tổ chức giải đã chiếu lời nhắn của tác giả qua đoạn băng video“.
Dịch giả Nguyễn Quyết Tiến cho biết, khi đó với tư cách là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ở CH Séc, ông được Ban tổ chức mời đến nhận giải thay cho tác giả, nhưng rất tiếc ông không có mặt ở Praha nên đã không đến được. Khi đọc tác phẩm này ông đã rất thích thú và quyết định dịch sang tiếng Việt để chia sẻ với cộng đồng.
Tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tên „Bạch Mã – Hoàng Long“ để nêu bật ý nghĩa, vì trong các đoạn cổ tích dẫn chuyện, từ „Vodní král“ dịch là „Long Vương“ nên „žlutej drak“ dịch là „Hoàng Long“ để ăn nhập. Câu nói của người xưa: „Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhơn“ tức là: „Trời không phụ người có lòng tốt“ hợp với hoàn cảnh của câu chuyện. „Bílej kůň“ được chuyển ngữ thành Bạch Mã. Bach mã là con ngựa trắng đẹp. Người xưa cưỡi ngựa đẹp như bây giờ đi ô tô sang, nó là cái vẻ bên ngoài để tiện bề làm ăn buôn bán. Người xưa cũng nói: "Nhân sinh Thiên Ðịa chi gian, nhược bạch câu quá khích, hốt nhiên nhi dĩ. (Trang Tử)" , tức là: „Người ta sống trong khoảng Trời Ðất, như bạch mã lướt qua cửa, chỉ là một thoáng qua thôi“.
Một món quà quý nhân dịp Tết Trung Thu
Như vậy là trải qua nhiều thăng trầm, hai phiên bản dịch các tác phẩm nổi tiếng đã chính thức ra mắt công chúng. Tại buổi lễ ra mắt, nhiều Chi hội Người Việt Nam đã đăng kí mua để làm quà tặng cho các cháu thiếu nhi Việt Nam và các vị phụ huynh nhân dịp Tết Trung Thu 2013.
Nguồn tin: www.secviet.cz
- CHUYỆN TÌNH BÊN DÒNG SÔNG VLTAVA(01/06/2020 - 08:51:59)
- Bàn thờ nhỏ, Nghĩa tình lớn(27/07/2019 - 00:00:00)
- Những tiếng nói (10/01/2018 - 00:00:00)
- TETREV(30/12/2017 - 00:00:00)
- Rượt theo Premek Bástyr(16/12/2017 - 00:00:00)
- Ngày chủ nhật nóng nực(13/12/2016 - 01:33:00)
- Văn hóa có phải là tài sản…(03/11/2016 - 00:00:00)
- Sách “Giữa đất trời Âu”: Thấy đậm hồn Việt(18/12/2014 - 11:32:47)
- PRAŽSKÉ POVĚSTI ČTOU I VE VIETNAMU(02/11/2013 - 10:49:59)
- Mừng kỷ niệm 95 năm Quốc khánh CH Séc : Những cảm nhận khó quên từ Praha(19/10/2013 - 08:41:49)