Tin mới
Hội thảo „Những sự thật và lời đồn về EET“

Ngày đăng: 13/06/2016 - 01:23:18

EET (Quản lý doanh thu điện tử) hiện đang là đề tài rất nóng hổi trong cộng đồng người Việt tại CH Séc. Nhiều người còn cho rằng đây là vấn đề sinh tồn cho việc kinh doanh của mình. Đã có rất nhiều giới thiệu cũng như bình luận hoặc đồn đại về EET. Để các doanh nghiệp người Việt ở Séc thực sự hiểu EET là gì và hoạt động như thế nào, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CH Séc, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại CH Séc phối hợp cùng Bộ Tài chính của CH Séc tổ chức Hội thảo về quản lý doanh thu điện tử EET với tên gọi „Những sự thật và lời đồn về EET“ tại Hội trường nhà hàng Hoàng Thành trong TTTM Sapa vào sáng ngày 12.6.2016.

Hội thảo còn có sự hỗ trợ của các tổ chức: Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc, Hội người Việt Nam tại CH Séc, Công ty Saparia a.s., Phòng Thương mại Séc Việt tại CH Séc, Vinasme (Hiệp hội các doanh nhân SME tại Việt Nam), Hiệp hội các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm tại Cộng hòa Séc, Hội Séc-Việt.
 
Đến tham dự hội thảo và trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai EET tại Séc có ông Andrej Babiš – Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Tài chính, bà Alena Schillerová - thứ trưởng Bộ tài chính phụ trách về thuế vụ cùng các chuyên gia của bộ Tài chính và Tổng cục thuế của CH Séc. Ông Karel Havlíček – chủ tịch hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Séc, ông Hoàng Đình Thắng – Chủ tịch hội người Việt, ông Phạm Long – chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Séc, ông Macel Wilter chủ tịch hội hữu nghị Séc Việt, đông đảo các phương tiện truyền thông của Séc cũng như của người Việt đã tới đưa tin. Trước khi diễn ra hội thảo, nhiều phương tiện truyền thông Séc cũng đưa tin về sự kiện này đặc biệt là sự có mặt của ông Andrej Babiš.
 
Hội thảo diễn ra trong hơn 4 tiếng đồng hồ với sự tham gia đông đảo bà con người Việt kinh doanh buôn bán các loại hàng hóa và dịch vụ tại TTTM Sapa và khắp nước Séc với số lượng vượt quá ước tính của ban tổ chức. Có lẽ cũng ít có sự kiện với sự tham gia của người Việt mà những người tham dự tới đúng giờ một cách đông đảo như vậy. Điều đó cho thấy các doanh nhân Việt Nam tại Séc thực sự quan tâm và đặc biệt trăn trở về EET.
 
Phát biểu tại hội thảo, ông Andrej Babiš đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng người Việt và ông cũng xin lỗi đã nhận xét sai trước đây về việc nộp thuế của người Việt. Ông mong muốn những người kinh doanh Việt Nam sẽ ủng hộ doanh thu trực tuyến.
 
„Tôi nghĩ mọi người đều biết đến Sapa bởi đây là một trung tâm mua bán lớn của người Việt, các hoạt động mua bán lớn đều diễn ra ở đây. Về EET thì chúng tôi đã có các cuộc tiếp xúc với người Việt về vấn đề này. Một phần người Séc nghĩ rằng người Việt không trả thuế, nhưng đó không phải là sự thật. Hồi trước tôi cũng đã có ý kiến này, và tôi xin lỗi.
 
Người Việt sống ở tại CH Séc đây lâu rồi. Đây là một trong những cộng đồng dân tộc lớn nhất tại CH Séc. Tôi nghĩ sẽ có nhiều cơ hội cho người Việt ở đây.
 
Chúng tôi sẽ nói chuyện với lãnh đạo ngành hàng không để tiến tới mở đường bay thẳng Việt Nam -Séc. Người Séc đi lại Việt Nam ngày càng nhiều, trong khi đó người Việt sang Séc chủ yếu qua Nga và Đức. Chắc chắn có nhiều cơ hội cho hai bên hợp tác. Tôi nghĩ hội thảo như thế này là rất tốt.  
 
Lần đầu tiên đến Sapa, trải nghiệm ẩm thực, thăm chùa, cắt tóc. Rất vui và vinh hạnh khi thấy mọi người quan tâm. Việt Nam đối với CH Séc là quan trọng, người Việt tại đây coi Séc là quê hương thứ hai, và họ luôn được Séc công nhận là cộng đồng tích cực.“
 
Trả lời câu hỏi ông nghĩ gì về người Việt Nam ông cho biết ông thấy người Việt Nam cần cù chăm chỉ, tràn đầy năng lượng, rất dễ chịu và khả năng thích ứng với điều kiện kinh doanh mới. Và họ là tấm gương để cho cả các doanh nghiệp Séc.
 
Phát biểu tại hội thảo, bà thứ trưởng Schillerová cho biết: Bà cũng đã thăm Việt Nam, ấn tượng nhiều về Việt Nam. Séc sẽ xem xét mở  đường bay thẳng VN-Séc. Bà hy vọng có dịp quay lại ăn phở... Theo bà EET là nhằm tăng doanh thu cho ngân sách nhà nước, và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Nhà nước cần tiền xây trường, đường xá và bệnh viện. EETcho thấy mọi thông tin sẽ thể hiện trên hóa đơn. Dự kiến ngân sách sẽ thu được 18 tỉ korun qua việc thực hiện EET. Theo bà, người Việt Nam ở đây siêng năng, cần cù, chăm chỉ, thích ứng nhanh với thay đổi. „Tôi nghĩ người Séc nên coi người Việt là ví dụ để học tập.“
 
Các chuyên gia của Bộ tài chính đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về EET và trả lời nhiều câu hỏi thiết thực của những người có mặt.
 
Bà Vũ Thị Nga, người đang làm chủ một chuỗi cửa hàng buôn bán hàng vải và đồ gia dụng, khi được hỏi liệu có lường trước ảnh hưởng của EET, bà cho biết: Tôi nghĩ là có ảnh hưởng, vì khi luật áp dụng thì tất cả doanh thu sẽ được phòng thuế biết được doanh thu của mình. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải kinh doanh làm sao đó, tức là chuyển hướng kinh doanh vận dụng tốt luật mới đề ra. Khi EET được áp dụng thì bản thân tôi là 1 doanh nghiệp thì rất lo lắng, vì nó liên quan tới thu nhập và thuế VAT, khi được áp dụng thì tất cả doanh thu được phòng thuế biết tới chứ hiện tại bây giờ mình tự khai thuế, nên khi luật này áp dụng thì chắc chắn là mức thuế trả sẽ nhiều hơn, gây nhiều khó khăn trong kinh doanh. Hiện tại thì gia đình tôi có chuỗi cửa hàng, khi luật áp dụng thì con số cửa hàng sẽ thu hẹp nhỏ hơn, dự kiến là đóng cửa các cửa hàng thu nhập kém, sẽ khó khăn hơn nhiều. Tôi nghĩ áp dụng luật này giúp doanh nghiệp đau đầu hơn trong cách làm sao tìm hướng kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận, về lâu về dài thì có thể trụ lại tại môi trường này, và phát triển làm sao để bền vững hơn, chứ không phải ăn xổi như bây giờ.
 
Về chuẩn bị khi EET có hiệu lực bà Nga nói: Cần phải tìm hiểu hệ thống cách tính tiền mới, sử dụng máy như thế nào, phần mềm, đăng ký với phòng thuế. Cần phải có máy tính tiền có đủ chức năng có thể gửi thông tin doanh thu lên phòng thuế. Hiện tại Bộ tài chính và các công ty máy tính tiền đang nghiên cứu áp dụng hệ thống mới, nên cần nhiều thời gian nữa.
 
Anh Hoàng Tế Độ ở Praha, kinh doanh từ năm 1990 các mặt hàng quần áo, giầy dép, đồ gia dụng, drogerie…cho biết: „Người Việt Nam sang đây chủ yếu lao động nên khi chuyển đổi nền kinh tế của họ thì bà con Việt Nam mình thích nghi dần. Nhưng bây giờ chỉ một số cửa hàng lớn làm quen với máy tính tiền rồi, còn bây giờ đổi sang thể loại mới quản lý bằng điện tử này thì tôi thấy nhiều người trình độ không có để mà ứng dụng những thiết bị này. Đó là một khó khăn. Hai là trước ta lấy hàng về bán, kê khai quên mất chi phí như xăng xe, lao động không đưa vào, nên phải kê khai thấp đi. Bây giờ mình phải đưa hết những thứ đó vào. Tôi nghĩ cho những thứ đó vào để giảm sự đóng góp thuế của mình. Vì hóa đơn bây giờ là quan trọng nhất. Vì sở thuế họ lấy doanh thu của mình, trừ đi hàng mua vào và mình sẽ trả thuế thấp hơn đi, nên mọi người có hóa đơn thì không đáng lo lắm, còn không có hóa đơn thì đáng lo. Nhiều người Việt Nam lo lắng quá thì không ủng hộ, còn riêng tôi thì tôi ủng hộ vì nó mang lại sự công bằng, vì giả sử một tiến sĩ ra làm việc được 35 000 korun nhưng một người buôn bán làm gian lận thì họ thu 100 000 korun một tháng, hoặc như xã hội cũng thế, như ông Babiš nói sẽ không công bằng. Bây giờ chuyển sang nền kinh tế tư nhân họ phải làm cách gì đó để thu thuế vào thì mọi người phải đóng thuế để có công bằng thì tôi ủng hộ cái này. Nhưng chúng ta phải khắc phục, phải học hỏi để đưa các chi phí vào để đỡ đóng thuế một cách vô ích.“
 
Cuộc hội thảo đã kết thúc, những trăn trở và băn khoăn của người kinh doanh đã được giải đáp phần nào, tuy nhiên họ vẫn hồi hộp và lo lắng vào thực tiễn khi áp dụng luật sẽ có những phát sinh không lường trước và mong muốn được giải đáp được thông tin nhiều hơn để ổn định kinh doanh.
 
Ông Phạm Long cho biết: Bà con kinh doanh Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ cho nên nhiều người không có điều kiện tham dự buổi thảo luận, do đó sau buổi hôm nay, hội doanh nghiệp Việt Nam tại Séc có trách nhiệm truyền đạt tất cả các thông tin để bà con biết và hiểu cặn kẽ hơn, để hòa nhập với việc kinh doanh tại CH Séc.

Nguồn tin: http://www.secviet.cz


Xem tin theo ngày: