Âm vang làn điệu Hát Xoan tại Séc
Ngày đăng: 08/04/2018 - 09:01:08
Hát Xoan, một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc của tỉnh Phú Thọ, vừa qua đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Di sản có một không hai ấy đang được phục dựng và bảo tồn cho các thế hệ mai sau bởi những người con vùng đất Tổ sinh sống tại Cộng hòa Séc.
Ngay từ khi ra đời tại Cộng hòa Séc năm 2010, Hội Đồng hương Phú Thọ đã có chủ trương gìn giữ và phát huy nét đặc sắc của văn hóa dân gian vùng đất Tổ các Vua Hùng, trong đó có làn điệu Hát Xoan, và năm năm sau đội Hát Xoan tại đây đã được thành lập. Ông Nguyễn Văn Hải, một trong những thành viên đầu tiên của đội, cho biết: "Đây là nguyện vọng và cũng là tâm huyết của những người con Phú Thọ sống xa quê muốn lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của quê hương ngay giữa trời Âu.
Đất Tổ Vua Hùng có một điệu Hát Xoan tồn tại từ bao nhiêu nghìn năm nay rồi, thêm nữa là làn điệu này vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Chúng tôi là những người con xa quê hương, không kể dâu rể, thành lập hội Hát Xoan đến nay được 3 năm, từng biểu diễn trong lễ Giỗ Tổ tại Praha rồi. Năm 2018, chúng tôi chào đón thêm thành viên mới tham gia tập luyện để buổi Giỗ Tổ năm nay thật hoành tráng, rộng lớn, mở rộng ra toàn châu Âu."
Không giống với một số loại hình dân ca khác, Hát Xoan là loại hình hát nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương kết hợp với hát giao duyên nam, nữ hay còn gọi là hát hội. Nó đòi hỏi có tổ chức chặt chẽ và hát theo trình tự nhất định. Chính vì vậy, thời kỳ đầu thành lập là giai đoạn khá khó khăn đối với đội, bởi tất cả khoảng 15 người trong đội đều là những diễn viên không chuyên.
Không được đào tạo bài bản, không đạo cụ và nhạc cụ, không trang phục truyền thống, anh chị em âm thầm tập luyện hàng tuần theo bản nhạc thu sẵn được tải về từ mạng Internet và sau này có thêm sự hỗ trợ của một nữ giáo viên am hiểu nhạc truyền thống. Với họ, tình yêu quê hương và niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống dân tộc đã níu kéo, thôi thúc họ phải làm sao làm sống lại một làn điệu vốn đã ăn sâu vào tiềm thức khi còn nhỏ và nay lại tái hiện nó một cách sinh động nơi xa xứ.
Tham gia đội Hát Xoan Phú Thọ được hai năm, chị Ngô Thị Hạnh cho biết: "Là một người con của vùng đất Tổ, chị rất yêu thích làn điệu Hát Xoan của quê hương mình, và mong muốn đưa loại hình nghệ thuật hát giao duyên này đến gần hơn với cộng đồng bà con mình và người dân sở tại.
Ngay từ hồi còn nhỏ, mỗi lần đi trẩy Hội Đền Hùng, tôi rất thích các nghệ sĩ hát điệu Hát Xoan này, và lúc đó tôi đã thuộc các làn điệu hát Xoan của quê hương tôi, Nay khi bước chân sang Séc sinh sống, tôi rất muốn mang làn điệu Hát Xoan sang đây để giới thiệu, quáng bá cho tất cả người dân sở tại và bạn bè quốc tế biết đến làn điệu quê hương tôi."
Giống như chị Hạnh, chị Nguyễn Thị Kiến bầy tỏ: "Là một người con đất Tổ xa quê gần 30 năm, không thể quên những năm tháng tuổi thơ tôi được đi xem hội Hát Xoan, được nghe mẹ hát ru con bằng những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng đầy tình người của miền đất trung du Phú Thọ. Tham gia vào đội Hát Xoan là cách để những ký ức đó sống lại trong tôi và cũng là cách đóng góp phần nhỏ bé của mình gây dựng làn điệu Hát Xoan nơi xa xứ.
Nghe tin ở đây thành lập đội Hát Xoan thì tôi xin tham gia vì trước hết để thỏa mãn niềm đam mê của tôi, sau đó là giới thiệu quảng bá nó cho người dân bản xứ biết thêm về làn điệu này, và cũng muốn truyền lại cho lớp con cháu sau này giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình."
Được thành lập đến nay được ba năm, đội Hát Xoan Phú Thọ đã tham gia biểu diễn trong Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng được tổ chức tại Cộng hòa Séc và được mời biểu diễn tại các sự kiện văn hóa cộng đồng. Đội cũng đã được đầu tư, trang bị thêm một số đạo cụ và trang phục chuẩn được mang từ Việt Nam sang để các buổi trình diễn sau này của anh chị em trở nên chuyên nghiệp hơn, mang đúng chất của nghệ thuật Hát Xoan hơn.
Dù mới được thành lập và có thêm một số thành viên mới, nhưng điều mong mỏi của lãnh đạo đội là làm sao để làn điệu Hát Xoan mãi được vang xa tại Séc, bởi hầu hết các thành viên trong đội đều đã có tuổi. Đây cũng chính là trăn trở của anh Bùi Trung Kiên, đội trưởng đội Hát Xoan Phú Thọ, trong việc truyền đạt lại kinh nghiệm cho những bạn trẻ Phú Thọ có tâm huyết gìn giữ nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc. Anh Hiên cho biết: "Đối với chúng tôi điều quan trọng nhất là làm sao truyền lại cho lớp con cháu sau này làn điệu này để nó được tồn tại. Chính vì thế chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức lớp dạy các cháu để làn điệu Hát Xoan này không bị mai một, trường tồn mãi mãi với thời gian."
Hiện nay đội Hát Xoan Phú Thọ đang tập luyện rất tích cực để chuẩn bị cho Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018 sẽ được tổ chức tại thủ đô Praha vào cuối tháng 4 này. Đây sẽ là dịp để họ giới thiệu làn điệu Hát Xoan – một di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại – tới cộng đồng người Việt trên toàn châu Âu và người dân sở tại khi lần đầu tiên Cộng hòa Séc được Ban vận động Dự án Ngày Quốc Tổ Toàn Cầu của Việt Nam lựa chọn là địa điểm tổ chức sự kiện năm nay./.
Nguồn tin: PV/VOV-Praha
Các tin khác:
- Người Việt tại Cộng hòa Séc phát huy truyền thống tương thân, tương ái(06/11/2023 - 20:03:12)
- Kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm tiếng Việt tại CH Séc(23/10/2023 - 19:40:16)
- Cộng đồng người Việt Nam tại Séc đoàn kết hướng về quê hương(17/10/2023 - 19:45:27)
- Kỷ niệm 10 năm ra mắt Đại từ điển của người Việt Nam tại Cộng hòa Séc(24/09/2023 - 19:44:46)
- Chúc Tết và cầu bình an cho cộng đồng người Việt Nam tại Séc(24/01/2023 - 20:17:30)
- Xuân Quý Mão 2023: Đầm ấm hương sắc Xuân Quê hương tại Séc(22/01/2023 - 20:09:36)
- Kỷ niệm 78 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Cộng hòa Séc(23/12/2022 - 00:00:00)
- Cộng đồng người Việt là cầu nối quan trọng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Séc(30/08/2022 - 19:54:09)
- Vu Lan báo hiếu: Gìn giữ nét đẹp văn hóa người Việt tại Séc(01/08/2022 - 20:00:48)
- Vinh danh Việt kiều tại Séc có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước(23/07/2022 - 20:37:25)