Tin mới
"Việt Nam - Kids Photo Project" - một dự án cho trẻ em Việt Nam tại CH Séc

Ngày đăng: 17/01/2009 - 16:11:44

Vừa qua Hanoi Club, một tổ chức phi lợi nhuận tại Praha phối hợp với nhóm VNPhoto Cộng Hòa Séc thành lập một dự án với tên gọi: "Việt Nam - Kids Photo Project". Dự án ảnh này nhằm giúp các thanh thiếu nhi Việt Nam tại đây tiếp cận với nhiếp ảnh, dạy các em cách nhìn, cách suy nghĩ và truyền tải cuộc sống thông qua nhiếp ảnh. Tham gia dự án này các em được nhận máy ảnh và phim để chụp những gì các em thấy, cảm nhận xung quanh mình. Sau đây xin mời các bạn đọc bài viết của anh Sơn Đoàn, một trong những người thực hiện dự án và thưởng thức những tấm ảnh của các em. Các bạn cũng có thể xem thêm slideshow tại website cá nhân của anh tại địa chỉ: www.sondoan.com.


Cuối năm thường là khoảng thời gian bận rộn với hầu hết mọi người, tôi cũng vậy. Sau chuyến đi vội vã về Việt Nam trở lại. MiniOne và Kulaty, những người bạn trong nhóm VNPhoto CH Séc thông báo cho tôi về một dự án ảnh. Tôi thoáng nghĩ “cuối năm bận rộn ảnh ọt gì bây giờ”. Tuy nhiên sau khi đọc một số email trao đổi của mọi người thì tôi mới biết đó là dự án ảnh dành cho thiếu niên Việt Nam.

 


Cuối năm thường là khoảng thời gian bận rộn với hầu hết mọi người, tôi cũng vậy. Sau chuyến đi vội vã về Việt Nam trở lại. MiniOne và Kulaty, những người bạn trong nhóm VNPhoto CH Séc thông báo cho tôi về một dự án ảnh. Tôi thoáng nghĩ “cuối năm bận rộn ảnh ọt gì bây giờ”. Tuy nhiên sau khi đọc một số email trao đổi của mọi người thì tôi mới biết đó là dự án ảnh dành cho thiếu niên Việt Nam.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu tại Mama Papa văn phòng của Hanoi Club, không quá chật nhưng nó đơn giản như không thể giản đơn hơn. Tôi không quá bất ngờ vì nó là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Là nơi gặp gỡ của những người bạn, những người ưa hoạt động cộng đồng thường đấu tranh cho và giúp người Việt Nam hòa nhập với xã hội Séc. Thời gian khá ngắn, chỉ vừa uống hết một cốc coffee nhưng cũng đủ để chúng tôi tìm thấy những quan điểm chung cho việc thực hiện dự án.
9h sáng tôi đến ngôi trường nơi mà các em nhỏ đang học tập.

 

Một căn phòng bé nhưng khá ấm cúng, đó là căn phòng mà nhà trường dành cho chúng tôi làm workshop với các em. Tôi đến đúng giờ nhưng các bạn Hanoi Club đã chuẩn bị xong máy chiếu và các tài liệu cần thiết. Rồi các em đến… từng nhóm từng nhóm một… những cái nhìn lạ lẫm, ngơ ngác. Chúng tôi nói về lí do tại sao lại mời các em đến đây, về dự án ảnh, về những việc mà rất nhiều em nhỏ khác đã làm được. Tôi nhấn mạnh “đây được xem như một trò chơi không bắt buộc nhưng nếu đã tham gia thì anh yêu cầu sự nghiêm túc, thiếu niên của nhiều nước đã làm được các dự án tương tự, các bạn người Rumania làm được thì tại sao chúng ta không? Anh tin là các em cũng sẽ làm được”. 100% các em có mặt đồng ý tham gia dự án. Chúng tôi cùng mỉm cười vì không thể có sự khởi đầu nào tốt đẹp hơn.

Chúng tôi nói với các em về cấu tạo chiếc máy ảnh. Một chút thôi, rất ít về cách chụp, ánh sáng và bố cục. Phần lớn thời gian chúng tôi nói chuyện về cuộc sống, về những câu chuyện mà các em có thể kể thông qua chiếc máy ảnh. Tôi nói với các em rằng “Nếu các em bị giới hạn không được nói, viết và chỉ có trong tay chiếc máy ảnh thì các em sẽ kể cho ông bà ở Việt Nam như thế nào về cuộc sống của mình? Về bạn bè, gia đình và công việc của bố mẹ?” Chúng tôi muốn các em biết chụp những tấm ảnh có thông tin.

 

Bàn giao film, máy cho các em xong và trên suốt dọc đường về tôi miên man suy nghĩ. Ngày nay, ở Praha một thành phố khá bình yên và giàu có này thì các em nhỏ được gia đình và xã hội chu cấp khá đầy đủ về mặt vật chất, thậm chí có những em nhỏ còn sử dụng điện thoạt rất đắt tiền. Nhưng theo tôi hẳn chỉ những thứ đó là chưa đủ. Tôi biết trong trường các em được học môn tiếng Anh nhưng lại không một em nào biết sử dụng với chúng tôi bằng thứ ngôn ngữ mà đáng ra ở thế hệ các em là rất phổ thông đó.

 

Các em thật cần nhiều hơn những sự quan tâm từ cộng đồng, từ những người cùng màu da và đặc biệt là từ bố mẹ các em. Tôi suy nghĩ khá nhiều về bọn trẻ, những người sẽ đại diện cho cộng đồng người Việt Nam tại đây trong tương lai. Cũng khoảng thời gian đó Phạm Quỳnh Anh lần đầu về thăm quê, lời ca và giai điệu của bài Hello Vietnam như là tiếng nói, là những lời tâm sự của các em mà tôi nhìn thấy qua mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười. Cảm xúc đấy, tình cảm đấy đã theo tôi trong suốt chiều dài của dự án.

 

Chúng tôi gặp lại tại TTTM Sapa nơi buôn bán lớn nhất của người Việt Nam tại Séc. Sau hai tuần, một khoảng thời gian đủ để warm up dự án và cho các em hiểu những khái niệm cơ bản về nhiếp ảnh, chúng tôi cùng nhau đi chụp. Mỗi nhóm gồm hai em nhỏ đi cùng một anh người Việt và một người nước ngoài, chụp theo các chủ đề khác nhau. Tất nhiên nhóm của tôi chụp về Streetlife và Vietnamese culture rồi ;). Đó thực sự là một buổi chiều đáng nhớ trong tràn ngập những tiếng cười. Tôi được bọn trẻ bá vai bá cổ, thân thiết và gần gũi ghê lắm. Được chúng dẫn đi đến những nơi, chụp những thứ mà bản thân một người yêu ảnh và khá lì đòn như tôi cũng không bao giờ nghĩ có thể đến đó và chụp được. Đứa trẻ nào cũng thật đáng yêu và nếu như bạn ở đấy hẳn bạn sẽ phải thán phục về cách tiếp cận của bọn chúng. Thật tuyệt vời!

Chúng tôi, những người lớn vẫn hay tụ tập ở đâu đấy trong những xó xỉnh của quán bar ở trung tâm để bàn về dự án nhưng bọn trẻ thì được nghỉ. Hồi hộp chờ đợi kết quả như những cuộn film đó do chính tay mình chụp ra. Hai tuần trôi qua và chúng tôi trở lại trường, lần này là một phòng rộng hơn vì cần diện tích để bày ảnh, rất nhiều ảnh! Nhưng nhiều hơn cả chính là sự bất ngờ của chúng tôi, có quá nhiều ảnh đẹp! Các em xem và tự ghi tên mình vào những tấm ảnh đã chụp. Chúng tôi hỏi “tại sao em chụp và em thấy gì qua những tấm ảnh đó?” Có khá nhiều những câu trả lời rất thú vị và qua đó chúng tôi nhận ra khả năng cũng như những vấn đề quan tâm của mỗi em. Chúng tôi động viên các em chụp theo hướng phù hợp với mình.

Simon một photographer thực thụ, người Taiwan đưa ra tấm ảnh này rồi hỏi: “mắt thường các em có nhìn thấy hình ảnh như thế này không?”.

Tất nhiên chúng đều trả lời là không. “Vậy đó, khi trong tay có chiếc máy ảnh thì các em có thêm một con mắt nữa!”.

Chúng tôi lọc ra vài tấm ảnh như thế này rồi hỏi."Các em có muốn tương lai của mình khác đi không?". Và cuối cùng chúng tôi hỏi các em về sự khác nhau giữa việc chụp ảnh bằng điện thoại di động và những chiếc máy film cũ kĩ. Vài em tỏ ra khá rành về công nghệ khi nói ra các lợi ích của kĩ thuật số đem lại như: Chụp bằng điện thoại di động có thể xem được bằng máy tính, in hay gửi cho bạn bè. Tuy nhiên cũng có em trầm ngâm suy nghĩ rồi nói “ Em phải nghĩ mỗi khi chụp chứ không như điện thoại là cứ giơ lên rồi choạch choạch choạch…”. Chúng tôi bật cười vì rõ ràng một dự án như thế này không thể thực hiện bằng máy kĩ thuật số, cho dù đó là những chiếc máy tốt và đắt tiền đến bao nhiêu đi chăng nữa. Chúng sẽ chán ngay cái dự án này chỉ sau vài tiếng chứ đừng nói theo chúng tôi đến cả mấy tháng như này. Không có thử thách, không có khát khao thì rất khó có những thành công. Film vẫn còn nguyên những giá trị của nó.

Khi đang ngồi viết những dòng này thì tôi nhận được email thông báo về cuộc họp đầu năm. Chúng tôi sẽ bàn về việc làm darkroom ở trong trường để giới thiệu cho các em về quá trình hình thành lên một bức ảnh và bàn tới việc xin tài trợ để tổ chức triển lãm ảnh khi dự án kết thúc.

Là một dự án phi lợi nhuận nên hẳn chúng tôi, những người thực hiện đều có nhiều điểm chung nhưng suy nghĩ và mức độ có thể sẽ khác nhau. Với riêng cá nhân tôi, đây là một dự án, một trong những việc mà tôi trân trọng hơn bất cứ tấm ảnh đẹp nào của mình. Cuối cùng, tôi hi vọng một ngày nào đó các em sẽ trưởng thành, một trong số các em sẽ tham gia vào VNPhoto hay các tổ chức về nhiếp ảnh tương tự, nhưng tôi tin các em sẽ không xuất hiện trong các cuộc tranh cãi nảy lửa về thiết bị, tôi hi vọng sau dự án các em sớm tìm thấy cái giá trị đích thực của nhiếp ảnh hay lớn hơn đó là giá trị của cuộc sống “Happiness only real when shared”.

Prague - January 08, 2009


Nguồn tin: Tạp chí Quê Hương trên Internet


Xem tin theo ngày: