Tin mới
Khủng hoảng kinh tế và Cộng đồng người Việt ở Séc

Ngày đăng: 15/06/2009 - 11:44:12

Giới thiệu với bạn đọc một góc nhìn của nhà phân tích người Séc về cộng đồng chúng ta tại đây trong thời gian khủng khoảng kinh tế toàn cầu. Ở đây người viết đã đặt vấn đề coi những người Việt Nam sống ở Cộng hòa Séc như là một cộng đồng. Liệu có thể nói rằng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế cộng đồng người Việt Nam sẽ giúp đỡ những người đồng hương kém may mắn hay không? Rõ ràng là vấn đề này phụ thuộc nhiều vào các Văn phòng môi giới việc làm, họ có một vị trí khá đặc biệt trong cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc.

Ngày nay khái niệm khủng hoảng được sử dụng thường xuyên đến mức nó đã trở thành chuyện tiếu lâm. Khủng hoảng trở thành một nhân tố chung trong tất cả các hoạt động của đời sống thường ngày. Nhưng một thực tế không thể chối cãi được là việc thu hẹp sản xuất, gia tăng số người thất nghiệp, các Văn phòng môi giới việc làm thải hồi hàng loạt công nhân và những phản ứng thái quá đối với những người lao động nhập cư. Hậu quả của cuộc biến động kinh tế có tác động lớn đến những người nước ngoài, họ gặp khó khăn hơn rất nhiều so với đại bộ phận dân chúng. Dĩ nhiên hậu quả này ở tất cacr các cộng đồng người nước ngoài không giống nhau.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập được dữ liệu về những người Việt Nam nhập cư từ giữa năm ngoái tức là ngay trước thềm của cuộc khủng hoảng. Nhưng cuộc khủng hoảng cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mới. Trong bài viết này tác giả muốn đề cập đến chủ đề liệu các Văn phòng môi giới việc làm có giúp ích gì được cho cộng đồng người Việt Nam hay không?

Cộng đồng ấy là một thể thống nhất hay phân hóa?

Xét về các phương diện bên trong cộng đồng (theo thế hệ, giai cấp và phương thức hoạt động v.v.) trong mối liên quan đến cuộc khủng hoảng thì trước hết liên quan đến “những người Việt Nam mới”, đó là những người sang Séc theo các Văn phòng môi giới việc làm. Khi hàng loạt người nước ngoài bị mất việc thì trên các phương tiện thông tin đại chúng thường bàn luận nhiều về việc đoàn kết giúp đỡ của công đồng người Việt Nam đối với những người đồng hương kém may mắn. Trên thực tế sự đoàn kết này cũng có cái “nhưng” của nó.

Khi nói về người nước ngoài chúng ta thường coi như đó là một cộng đồng người nào đó. Ở Cộng hòa Séc đương nhiên đó là một nhóm người, không phân tích quá sâu rằng chúng ta căn cứ cơ sở nào để xác định cộng đồng. Bài viết cũng không đi vào phân tích khái niệm cộng đồng. Ngay cả trong nghiên cứu khoa học xã hội thì khái niệm này cũng vẫn chưa hẳn đã thống nhất. Vì thế cũng chẳng có vấn đề gì nếu các tác giả tìm cách giải thích khái niệm cộng đồng của mình và dựa trên cơ sở khoa học nào. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thì vấn đề này không được đặt ra nhưng trong các cuộc thảo luận của các nhà chuyên môn (các nhà khoa học, nhân viên của các tổ chức phi chính phủ, các cán bộ quản lý hành chính v.v.).

Không có gì đáng ngạc nhiên nếu sử dụng các khái niệm không chuẩn có thể dễ dàng làm cho người ta hình dung không đúng về bản chất thực trong các mối quan hệ của một nhóm người. Trong trường hợp này của chúng ta liệu có ý nghĩa gì không khi đặt câu hỏi: Có phải chúng ta đã đùn đẩy cho người Việt Nam cái nhiệm vụ do chính chúng ta tạo ra rồi mong họ thực hiện? Tại sao họ lại phải giúp đỡ những người đồng hương của mình gặp khó khăn? Sự đoàn kết của họ là ở chỗ nào? Liệu chúng ta có thể hình dung một cách thô thiển bởi vì họ sinh ra trong cùng một nước?

Chẳng hạn như Yoo (1998) đã nhấn mạnh là cần phải phân biệt rõ mạng lưới gia đình xã hội và tính chất phi gia đình. Mặt khác có thể nói rằng sự khác biệt giữa tình máu mủ ruột già và tình đoàn kết được xây dựng bên ngoài gia đình, tình bạn bè thân thiết. Theo quan điểm của Portes và Sensenbrennerová (1998) thì giữa những người nhập cư xuất hiện những mối quan hệ gần gũi bên ngoài gia đình trên cơ sở nhu cầu thực tế gìn giữ một “môi trường chung” có lợi (bất kể môi trường có lợi ấy mang tính chất ràng buộc hay không). Đó chính là một trong những lý do gìn giữ và tồn tại cộng đồng thiểu số - nhu cầu thực tế để khắc phục những khó khăn khi đến nơi ở mới và hòa nhập vào môi trường mới.

Nhìn chung có thể nói rằng cái thế giới gia đình cơ bản và tình bằng hữu thường được gây dựng trong môi trường lao động. Vì ở nơi đó chúng ta trải nghiệm một phần lớn thời gian của mình. Đặc trưng cơ bản trong cuộc sống kinh tế của người Việt Nam ở Cộng hòa Séc là vai trò quan hệ gia đình và tình bằng hữu. Chính mối quan hệ này đã tạo nên giường cột cho hình thái kinh tế của họ ở Cộng hòa Séc. Đó cũng là yếu tố đầu tiên cảnh báo chúng ta đừng vội vàng kết luận về bản chất mối tình đoàn kết giữa những người nhập cư này. Bởi vì một mặt mối quan hệ xã hội trong công việc của họ chủ yếu được tạo nên từ chính mối quan hệ gia đình. Nhưng mặt khác tình đoàn kết của những người Việt Nam lại nằm ngay trong cuộc chiến cạnh tranh. Cả hai yếu tố nêu trên thể hiện những giới hạn nhất định trong thực tế xây dựng tình đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam “từ dưới” lên.

Một sự khác biệt nữa tồn tại trong việc xây dựng và gìn giữ tình đoàn kết giữa những con người thường xuyên gặp mặt (chẳng hạn như trong công việc, trong cùng khu phố) và giữa những người chẳng bao giờ gặp mặt. Theo quan điểm của Anderson (1991) thì việc gây dựng sự cảm thông giữa những con người chẳng bao giờ gặp mặt đòi hỏi phải có kiểu tưởng tượng riêng. Một cộng đồng như vậy, cách hình dung như vậy không chỉ đơn thuần qua thực tế cuộc sống hàng ngày như kiểu được tạo lập qua các mối quan hệ cá nhân trong cộng đồng. Hơn nữa trong kỷ nguyên quốc gia dân tộc thì kiểu tư duy này phải được trau dồi một cách có hệ thống không chỉ đơn thuần qua cơ quan nhà nước. Sau khi dời khỏi tổ quốc mình, những người di cư không bị hụt hẫng hoàn toàn mà chính thành phần dân tộc của họ đã “chăm lo” cho họ, giữa những người di cư được gìn giữ hoặc tạo nên nhiều hình thức liên kết khác nhau. Trong thực tiễn, ngay cả trong cộng đồng đa số cũng có những cái “tôi” của từng nhóm có ranh giới rõ ràng và ranh giới với các nhóm khác.

Theo nhận thức của chúng tôi thì ở Séc tồn tại cộng đồng người Việt Nam theo vùng lãnh thổ, được thiết lập trên cơ sở là những người Việt Nam trước tiên quan hệ với những người đồng hương khác trong phạm vi vùng lãnh thổ của nền kinh tế nhập cư. Do có việc thường xuyên di chuyển chỗ ở đến những nơi có điều kiện tốt hơn nên một số nhóm cộng đồng đã mở rộng khắp trên toàn lãnh thổ Cộng hòa Séc nhưng không còn mang bản chất của một cộng đồng thiểu số thống nhất. Có hàng loạt Văn phòng môi giới việc làm không liên kết trực tiếp với bộ phận kinh tế của người Việt Nam trong vùng bởi vì họ đến Séc qua con đường quan hệ khác và hoạt động trong lĩnh vực khác của thị trường lao động.

Trường hợp đặc biệt là những người kinh doanh cá thể bị phá sản hoặc bỏ nghề xin vào làm việc trong các Văn phòng này. Những người này luôn biết mình phải tìm đến ai nhờ giúp đỡ hoặc dễ dàng kiếm được việc làm ở chỗ những người đồng hương. Những người này cũng có thể đóng vai trò trung gian giữa hai bộ phận tương đối tách biệt là Văn phòng môi giới và những người kinh doanh. Những lý do nêu trên chứng tỏ rằng những người bị các Văn phòng môi giới việc làm thải hồi khó có thể nhận được sự hỗ trợ của những người Việt Nam khác mặc dù trong những trường hợp nào đó vẫn có người nhận được sự giúp đỡ. Như vậy việc mang cùng một tấm họ chiếu của một quốc gia chỉ là một tiền đề thứ yếu cho việc tạo lập mối quan hệ hỗ trợ này.

Do vậy vấn đề xây dựng tình đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam thực chất là vấn đề của các tập thể người Việt Nam mang tư tưởng cộng đồng đã xuất phát từ những lý do khác nhau mà làm việc vì mục đich này hoặc là trên cơ sở đó họ tổ chức các hoạt động. Bởi thế việc ủng hộ những người bị các Văn phòng môi giới việc làm thải hồi có thể được các tổ chức này khởi động. Những người đại diện của các tổ chức này thường là các nhà kinh doanh thành đạt. Nhờ có tiền và có tầm ảnh hưởng nên họ dễ dàng trở thành nững tấm gương cho người khác làm theo (và cuối cùng thì họ lại củng cố tầm ảnh hưởng của mình).

Suy cho cùng thì dù cho về mặt thực tế họ có tổ chức giúp đỡ được cho nhiều người thì cũng không có nghĩa là tồn tại một tình đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở Séc bởi vì nó có thể được nảy sinh trong điều kiện hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc bản chất cộng đồng được tạo nên qua khó khăn. Còn trong trường hợp ngược lại thì có thể sử dụng từ cộng đồng theo nghĩa rộng. Để chúng ta có thể hình dung là tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa những người Việt Nam nhập cư là tự nhiên có sẵn trong cộng đồng người Việt Nam thì đó là điều đáng phải quan tâm theo dõi một cách nghiêm chỉnh xem họ làm thế nào, ai làm và cộng đồng này đã được hình thành như thế nào.

Ngoài những “vấn đề cộng đồng” còn phải xét đến những điều kiện mà người Việt Nam có được để có thể giúp đỡ những người đồng hương kém may mắn. Xét về phương diện lâu dài thì tình hình có thể sớm ổn định nếu các công nhân bị các Văn phòng môi giới lao động thải hồi tìm được chỗ đứng trong thành phần kinh tế mà nhiều người Việt Nam di cư đã theo đuổi nhiều năm nay. Hình thái kinh tế của người Việt Nam đã thành công trong những năm 90 bằng bán hàng chợ nhưng sau đó đần dần bị thất thu tưởng chừng như họ bị đẩy ra bên lề thị trường (xem bình luận về kinh tế của người Việt Nam của Hofírek). Nhưng nói chung việc những người di cư bán hàng quần áo, đồ điện rẻ tiền, hàng ăn nhanh và các cửa hàng thực phẩm cỡ nhỏ v.v. đã chuyển hướng sang cả các nước khác và ngay ở đó họ cũng nhanh chóng chiếm vai trò chủ đạo (Rath 2002).

Theo ý kiến của những người được hỏi thì mọi vấn đề bắt đầu từ năm 2000 khi nảy sinh sự cạnh tranh ngay giữa những người Việt Nam với nhau và một số mặt hàng họ bán đã bắt đầu xuất hiện ở trong các siêu thị. Cuối cùng là nhu cầu hàng hóa của người dân giảm vì sức mua của người dân mạnh lên nên họ chuyển hướng sang các mặt hàng đắt tiền. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm sống lại nhu cầu về các mặt hàng giá rẻ. Tuy nhiên ngay bản thân giới kinh doanh và những người kinh doanh cá thể đều đang tìm kiếm lối thoát vì hàng hóa bấy lâu nay ế ẩm nên họ khó có thể cung cấp công ăn việc làm cho một số lượng lớn công nhân bị thải hồi.



Nguồn tin: Vietinfo


Xem tin theo ngày: