Tin mới
Chị Nguyễn Thị Bảng và những sinh viên Việt Nam đầu tiên được cử sang Tiệp Khắc học tập

Ngày đăng: 16/06/2009 - 07:53:11

Ý tưởng ghi chép lại toàn bộ bức tranh về quá trình những sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Tiệp Khắc học tập do nhóm biên tập viên Nguyễn Tiến Hưng, Đỗ Ngọc Việt Dũng và Trần Minh Hiền đề xuất đã được Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam – Séc nhiệt liệt ủng hộ và ghi nhận như một đề án giầu tính nhân văn.

Nếu nói là một đề án cũng không sai lắm vì thật sự khó khăn khi tìm đến được một địa chỉ, một con người hay một sự kiện đã quá xưa cũ để rồi từ đó quay ngược bánh xe thời gian hơn nửa thế kỷ, khắc họa lại những nụ cười rạng rỡ, những giọt nước mắt vô tư, chứa chan hạnh phúc, lưu luyến, trẻ trung đầy nhiệt huyết… cả tiếng còi tầu hú dài trên sân Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội) khi đưa tiễn những thanh niên ưu tú đầu tiên ấy sang Tiệp Khắc du học… Tất cả những sắc mầu và cung bậc tình cảm đó sẽ vẽ nên một bức tranh chân thực, sinh động, gắn kết được những gì tưởng như từ lâu đã rời xa và đi vào quên lãng. Song, điều chắc chắn đó sẽ không phải là cộng việc của một sớm môt chiều. Nhưng nếu bảo đó là nhận thức trách nhiệm, là tình cảm hay sự tri ân của hôm nay đối với các anh các chị - lớp viên đầu tiên đó đã đóng góp và để lại cho lớp người đi sau rất nhiều kiến thức và người đi trước cũng rất đúng vì việc làm này hoàn toàn phù hợp với đạo lý và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta, bởi thế hệ những sinh viên đầu tiên đó đã đóng góp và để lại cho lớp người đi sau rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm học tập quý báu mà một trong những di sản tiêu biểu là cuốn từ điển Séc – Việt (Česko-vietnamský slovník) do các tác giả Nguyễn Xuân Chuẩn, Trần Xuân Đàm, Bùi Đức Lại và tập thể biên soạn và được  xuất bản năm 1969.

Chúng tôi băn khoăn, trăn trở gần nửa năm trời, không biết bắt đầu từ nguồn tài liệu nào, hỏi ai để biết thông tin về những „cây đa, cây đề“ ngày ấy. Thật may mắn trong buổi họp BCH Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc ngày 14/5/2009, khi mọi người nâng cốc chúc mừng anh Dương Tất Từ, UV BCH Hội, dịch giả văn học Séc vừa được Hội nhà văn CH Séc tặng giải thưởng Priemia Bohemica, anh Từ đã bộc bạch đôi chút về những ngày tháng đầu tiên của mình ở Tiệp và thế là trang „sử biên niên“ đầu tiên về sinh viên Việt Nam sang Tiệp học tập đã được mở ra. Chúng tôi mừng như trúng vé số. Và từ đây, những trang hồi ức về những nẻo đường hữu nghị Viêt Nam –Séc bắt đầu...

Một sáng thứ Bảy cuối tháng 5/2009 trời Hà Nội rực mầu hoa phượng nở. Chúng tôi đã hẹn trước qua điện thoại tìm đến địa chỉ của một người gần nhất, số nhà 582 Đường Bưởi, Hà Nội. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ đứng tuổi, nhỏ nhắn, tóc đen, nhanh nhẹn và cởi mở. Đó là chị Nguyễn Thị Bảng. Trong căn phòng khách chúng tôi bị choáng ngợp bởi không gian, những bức tranh hoành tráng và những trích đoạn văn, thơ với hình vẽ minh họa in trang trọng trên vải. Tất cả được bài trí rất kiểu cách làm chúng tôi có cảm giác như đang trong một Galerie có hạng. Thấy chúng tôi quan tâm, ngạc nhiên, có vẻ như muốn hỏi điều gì, chị Bảng vui vẻ nói „Những thứ này không phải của mình đâu, của con gái và con rể đấy.“ Con gái đầu lòng của chị Đinh Hoàng Anh là tiến sĩ toán học, tốt nghiệp ở Nga nhưng giờ lại làm quản lý một doanh nghiệp, rảnh rỗi lại viết văn và làm thơ. Con rể của chị dân mỹ thuật, nhưng nghề chính lại là kinh doanh và thời gian còn lại anh dành cho hội họa và gia đình. Ở nhà chị, ai cũng bận rộn và đều có niềm đam mê riêng. Cô con gái út của chị là nghệ sĩ dương cầm, đang ở nước ngoài và cũng đam mê văn chương lắm. Chị nói „Cứ gọi mình là chị Bảng nhé, năm nay mình mới 73 tuổi thôi.“ Chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì trông chị còn trẻ lắm, như mới ngoài 60, chị trẻ trung không chỉ bởi giọng nói trong trẻo, mà cả khuôn mặt, vóc dáng và tính tình của chị. Chị cười hồn nhiên đáp lại „Vì mình vẫn còn làm việc mà, còn muốn đóng góp thêm cho đời, mình đã già đâu....

Chị Nguyễn Thị Bảng là một trong 16 sinh viên đầu tiên được Chính phủ ta gửi sang Tiệp Khắc học năm 1955 ngay sau khi hòa bình lập lại ở Miền Bắc Việt Nam. Chị đính chính rằng: “Những sinh viên Việt Nam đầu tiên học ở Tiệp Khắc phải kể đến 4 anh gồm: Lương Văn Tích, Đỗ Đại Lộc, Diệp Minh Châu và anh Thanh. Bốn anh này sang Tiệp Khắc năm 1952, khi đất nước ta đang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh Lộc khi đó đang học ở Pháp, các anh khác người thì học ở Nga, người từ Việt Nam. Các anh là đại diện cho thanh niên sinh viên Việt Nam sang dự Đại hội thanh niên, sinh viên quốc tế tổ chức ở Tiệp Khắc. Sau đó Chính phủ Tiệp Khắc đón nhận các anh ở lại học đại học...“

Sau ngày hòa bình được lập lại ở Miền Bắc Việt Nam, tháng 8 năm 1955, Đảng và Chính phủ ta đã chọn một số thanh niên ưu tú trong số những thanh niên, học sinh các trường trong vùng kháng chiến từ tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Nghệ An ... đang là thanh niên xung phong vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội để đi học nước ngoài như Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan. Phần lớn họ đang là học sinh cấp 3, lý lịch là điều quan trọng nhất để chọn lựa. Đoàn đi Tiệp năm đó có 17 người (một anh bị gãy tay ở Bắc Kinh nên phải ở lại), chị Bảng là học sinh trường Hùng Vương, Phú Thọ, là nữ sinh đầu tiên sang Tiệp Khắc học tập và là nữ sinh duy nhất năm 1955 đi Tiệp. Anh Dương Tất Từ đi cùng năm với chị, anh Từ đã từng là dân công hỏa tuyến trong thời gian Kháng chiến chống Thực dân Pháp.

17 thanh niên đầy nhiệt huyết, trẻ trung, được chọn lựa kỹ càng về lý lịch và phẩm chất từ Ga Hàng Cỏ - Hà Nội bắt đầu cuộc hành trình sang Tiệp Khắc học tập. Đoàn nghỉ chân tại Bắc Kinh 1 tuần. Tại đây Sứ quán Tiệp Khắc mua vé máy bay cho đoàn sinh viên Việt Nam bay sang Mạc Tư Khoa. Đoàn của chị dừng chân thêm 3 ngày nữa, rồi từ Mạc Tư Khoa đi tầu hỏa sang Tiệp. Điểm đặt chân đầu tiên trên đất nước Tiệp Khắc của Đoàn là làng Sobotín gần Olomouc. Vài tuần sau các anh chị đến Mariánské Lázně để học tiếng. Những ngày đầu trên đất bạn đoàn của chị được anh Đỗ Đại Lộc (sang năm 1952) phiên dịch giúp và trong năm học tiếng ấy thật may nắm có anh Thái Bá Vân biết tiếng Pháp nên qua tiếng Pháp đã giải thích những vấn đề khó của tiếng Tiệp cho tất cả sinh viên Việt Nam khi đó. Sau một năm học tiếng chỉ có 6 sinh viên được chọn học đại học, đó là chị Nguyễn Thị Bảng, anh Dương Tất Từ, anh Thái Bá Vân, anh Nguyễn Đức Anh, anh Nguyễn Văn Thỏa và anh Bùi Đình Quang. Vì chưa tốt nghiệp cấp 3 nên 6 sinh viên này phải bổ túc văn hóa thêm một năm nữa. Số còn lại theo học trung cấp. Trong năm học dự bị 1956-1957 nhóm của chị có thêm 3 anh từ Việt Nam mới sang. Đó là anh Trần Lum, anh Lê Duy Ấn và anh Trần Đình Khang. Sau năm học này cả 9 sinh viên Việt Nam phải thi kiểm tra văn hóa và tiếng Séc để đảm bảo đủ kiến thức vào đại học. Chị Bảng nhấn mạnh: “Thi hẳn hoi đấy nhé, rất nghiêm túc chứ không ưu tiên đồng chí, anh em gì đâu. Các thày cô giáo quý và thương sinh viên Việt Nam nhiều lắm, nhưng việc nào ra việc ấy, 16 sinh viên mới chọn được 6 người đủ tiêu chuẩn bồi dưỡng thêm để thi lên đại học. Mà sao thời đó, chẳng ai phát động, kêu gọi nhưng mọi người chăm học và thi đua nhau ghê lắm. Mỗi ngày học thuộc lòng vài chục từ mới là chuyện bình thường. Suốt ngày chỉ có học rồi lại học, nên các thày cô giáo người Séc rất hài lòng và nhiệt tình chỉ bảo. Nhiều gia đình Séc còn tình nguyện đón sinh viên Việt Nam về nhà vào những ngày nghỉ để hỗ trợ về ngôn ngữ và giúp anh chị em đỡ nhớ quê hương. Tình cảm thắm thiết và vô tư ấy của nhân dân Tiệp khắc dành cho Đoàn, chị và các anh trong đoàn không bao giờ có thể quên được.“

Chị Nguyễn Thị Bảng, anh Nguyễn Đức Anh, anh Lê Duy Ấn và anh Trần Lum học khoa Cơ khí ČVUT. Năm 1963 tốt nghiệp và cả 4 kỹ sư về làm việc tại Nhà máy Trung Qui mô (Nhà Mày cơ khí Hà Nội). Anh Trần Lum sau này đã từng là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Anh Dương Tất Từ học chuyên ngành ngôn ngữ học. Anh là dịch giả  góp phần quảng bá văn học Séc đến Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Thỏa và anh Bùi Đình Quang học Hóa. Anh Quang đã từng là Giám đốc nhà máy thủy tình Hải Phòng. Anh Thái Bá Vân học Lịch sử nghệ thuật. Anh Trần Đình Khang học Kiến trúc.

Tháng 12 năm 1963 chị Bảng lập gia đình. Chồng chị là GS Đinh Gia Tường, giảng viên khoa Cơ khí trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1957. Anh chị có 2 con gái. Năm 1968 chị gửi con ở nhà để sang Hung Ga Ri thực tập sau đại học và học cao học. Năm 1971 chị về nước và được phân công sang làm việc ở Từ Sơn. Tháng 1 năm 1972 chị chuyển sang giảng dạy cùng với chồng tại Khoa Cơ khí trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho tới ngày về hưu.

Năm 2003 Công ty thiết bị thí nghiệm ANPHA được thành lập, chồng chị - GS Đinh Gia Tường là giám đốc, con gái Đinh Hoàng Anh là phó giám đốc kinh doanh, còn chị khiêm tốn chỉ nhận chức kỹ sư trưởng phụ trách kỹ thuật. Công ty gia đình của chị chuyên sản xuất thiết bị giáo dục và thí nghiệm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Công việc thì nhiều, xưởng sản xuất ở xa, các mối quan hệ tiền – hàng, con người – xã hội bộn bề, không hiểu anh chị có thời gian để nghỉ ngơi, thăm hỏi bàn bè nữa không...? Chưa để chúng tôi hỏi hết câu, chị đã khoát tay chỉ gian phòng đầy tranh và thơ văn. “Đấy các em xem đi chẳng phải anh chị và gia đình vẫn đang nghỉ ngơi và vui thú với thi – họa đó sao. Ba cái thứ đam mê này cũng tốn tiền và thời gian lắm... Hàng năm chị vẫn cùng các anh cùng khóa gặp nhau. Một số anh không còn nữa. Bọn chị cùng nhau nhớ đến những ngày sống và học tập ở Tiệp Khắc, nhớ đến những ngày một mình chị là nữ thế mà cũng tham gia văn nghệ múa Sạp, hát Hò kéo pháo... với các các bạn nam.“ Chị nhớ Tiệp nhiều lắm. Năm 1989 chị đã cùng chồng và cô con gái thứ hai sang thăm nơi chị đã từng học ở Tiệp. Có gì sung sướng hơn khi gặp lại các bạn Tiệp cũ tay bắt mặt mừng và không khỏi xúc động nhớ đến người mẹ nuôi người Séc khi thăm nơi an nghỉ cuối cùng của bà.

Câu chuyện đang vui bị gián đoạn bởi cuộc điện thoại, chị Bảng xin lỗi, trao đổi ngắn gọn rồi tiếp tục trò chuyện với chúng tôi. Chúng tôi hiểu thời gian với chị là quí giá. Biết ý chúng tôi trình bày ngắn gọn rằng, Ban biên tập trang web của Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc đang cố gắng thu thập thông tin về các anh, các chị, lớp người đầu tiên sang Tiệp Khắc học tập, rằng chúng tôi không chỉ có nhóm Biên  tập viên mà cả các anh, các chị đều có thể viết về những ký ức của mình, về những con người, kỷ niệm, thày cô và những vùng đất, nơi các anh chị đã qua và càng nên viết về ai đó đã để lại cho hôm nay một điều gì đáng nhớ, đáng trân trọng, bởi Hội hữu nghị Việt Nam – Séc và Hội người Việt Nam ở Séc hôm nay đã có hàng  chục ngàn hội viên, lớn mạnh về mọi mặt, nhưng thông tin về lớp „liền anh, liền chị“, những người đã đặt dấu chân Việt Nam đầu tiên lên đất Séc vẫn còn quá ít ỏi. Chị Bảng nói “các em đã „đánh“ trúng nguyện vọng của nhóm U60, U70 đấy, chắc chắn mọi người sẽ rất cảm ơn Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc, cảm ơn việc làm ấm áp tình người của các em. Chị sẽ thông tin cho bạn bè, sợ rằng các em phải đi, phải đọc và phải viết nhiều đấy...“

Chúng tôi cảm ơn lời tư vấn của chị và xin hỏi chị một câu hỏi trước khi chia tay.

Kỷ niệm nào là kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị ở Tiệp Khắc?“

Nhiều, nhiều lắm! Chị không thể nào trả lời ngắn gọn được vì đó là cả một quãng đời thanh xuân tươi đẹp, vô tư và nhiều ước vọng nhất của chị, nhưng đáng nhớ nhất là lần được đi phiên dịch cho Bác Hồ, khi Bác sang thăm Tiệp Khắc năm 1957. Phiên dịch chính của Bác lúc đó là anh Lương Văn Tích, lúc đó anh là phiên dịch của Đại sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc. Được gặp Bác và phiên dịch cho Bác một buổi ngắn ngủi, nhưng đó là một kỷ niệm, hạnh phúc không quên của cuộc đời chị.“ Chị cho chúng tôi xem bức hình chụp chung với Bác được phóng to và treo ở nơi trang nghiêm nhất của gia đình. Chị mãi mãi ghi nhớ và trân trọng...

Tạm biệt chị, cô nữ sinh Việt Nam đầu tiên được sang Tiệp học tập, người nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp ở Tiệp Khắc, người phụ nữ nay đã ngoài 70, nhưng vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, nhiệt tình với nụ cười luôn nở trên môi. Chúng tôi xin chúc chị và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và làm thêm được nhiều điều có ích cho đời, chúc cho ước muốn được trở lại thăm Thủ đô Praha của chị sớm trở thành hiện thực. Tạm biệt chị mà trong chúng tôi bỗng tràn ngập niềm tin chắc chắn „đề án“ ấm áp nghĩa tình như vậy sẽ  thực hiện được một ngày không xa, vì đã có tiếng nói ủng hộ, sẽ còn nhiều người cổ vũ và tiếp tục ủng hộ. Ước gì nhóm chúng tôi Dũng, Hưng, Hiền lúc nào cũng được mạnh khỏe, có nhiều thời gian đi khắp đó đây, chắp nối những kỷ niệm, ghi lại những câu chuyện và viết về những con người mà vùng đất CH Séc đã trở thành quê hương yêu dấu thứ hai của họ.

                                            Nguyễn Tiến Hưng và Trần Minh Hiền

                                          viết theo lời kể của chị Nguyễn Thị Bảng


Xem tin theo ngày: