Tin mới
Rau quả tươi và nụ cười thân thiện của người Việt tại Séc

Ngày đăng: 06/12/2009 - 09:08:35

Nghề làm báo giúp cho tôi có thể đi được tới bất cứ nơi đâu. Nhưng có một cánh cửa, mà cho tới tận ngày hôm nay, vẫn còn đóng kín đối với tôi. Sau cánh cửa ấy là bí mật của những người châu Á bán thực phẩm, được rào kín bởi những nụ cười vĩnh cửu, nhà báo Hana Michopulu tâm sự trong bài viết đăng trên nhật báo Lidové noviny.

Trong suốt quãng thời gian thường xuyên mua hàng ở những cửa hàng thực phẩm của người Việt Nam, tôi chỉ có một lần bắt chuyện được với họ! “Ôi, chiếc túi đẹp quá,” những cô gái Việt Nam trầm trồ khi nhìn thấy chiếc túi đựng hàng của tôi, mà tôi đã dùng để thay cho cái túi rứa đã cũ. Nhưng câu chuyện chỉ tới đây là kết thúc. Sự thành công của những cửa hàng thực phẩm châu Á tại CH Séc có thể được xem như một hiện tượng xã hội trong một thập kỉ cuối trở lại đây. Mặc dù không thể xâm nhập vào cộng đồng Việt Nam, nhưng điều này không thể ngăn cản tôi tìm hiểu họ, ít ra là qua những dấu vết, hương vị và giá cả.
Như những gì mà ai cũng biết về người Việt Nam: Họ tốt bụng, bán đồ giá rẻ, thân thiện và dễ mến, họ bán hàng từ sáng tới tối, không bao giờ nghỉ và luôn có rau quả tươi. Câu hỏi được đặt ra: Họ làm như thế nào vậy? Theo ông Marcel Winter, chủ tịch hội Séc-Việt, thì người Việt Nam có những giá trị hoàn toàn khác so với người Séc: “Họ làm việc 365 ngày mỗi năm, bởi họ tới Séc không phải để du lịch, mà là để làm việc, đó là nguyên nhân đầu tiên. Và thứ đến là mục đích công việc của họ. Trước hết là để cho con cái có thể ăn học nên người, sau đó là để có tiền gửi về nuôi bố mẹ tại Việt Nam. Những mục tiêu khác như nhà cửa hay ô-tô đều phải đứng sau hai mục tiêu chính kể trên”.

Tôi đã thử nhẩm tính xem ông Dương sống tại Dejvic sẽ phải bán bao nhiêu quả xoài giá 9,90 korun, để có đủ tiền gửi về nước cho gia đình – nhưng rốt cuộc thì con số lãi tôi nhẩm được cũng chỉ đủ cho một “kiếp người” mà thôi. Hay đúng hơn là đủ cho “kiếp sau”.

Dĩ nhiên việc tính toán này không thể chính xác được, chỉ biết rằng các chủng loại hàng hóa trong cửa hàng luôn rất đa dạng. Với những gì được bày bán tại đây, rõ ràng quá khứ của những quần áo rẻ tiền treo lụp xụp trong các quầy hàng người Việt thời những năm 90 đã hoàn toàn biến mất. Người Việt có khả năng bán đồ ăn tốt hơn là bán “thời trang”. Họ thường xuyên kiểm tra hàng hóa và lấy thêm những hàng đã cũ hoặc đã hết. Nền ẩm thực đặc sắc của Việt Nam cũng được đặt nền móng trên cơ sở những rau quả và hương liệu chất lượng cao. Họ phối hợp một cách tinh tế hương vị của những sản phẩm tự nhiên này, chứ không mấy khi chế biến hoặc nấu chúng chín lên tới mức không thể nhận dạng được nữa. Chất lượng sản phẩm vì thế luôn là điều quan trọng nhất. Trong số “danh mục” hàng hóa của ông Dương “của tôi”, tôi đã chọn mua: rau súp-lơ romanesco giá 20 korun (đúng vậy, đó là loại có gai), hai củ xu hào (lá mịn cũng như lá quăn), một bao đậu xanh và một bao đậu vàng. Ngoài việc mua đồ để chế biến các món ăn truyền thống của Séc, bạn cũng có thể tìm thấy những nguyên liệu cơ bản cho các món ăn Việt Nam và Thái Lan. Các chủng loại hàng hóa ở đây làm tôi nhớ tới cửa hàng của Pháp nổi tiếng ngày nào tại Praha, nơi phục vụ chủ yếu cho các nhân viên đại sứ quán.

Tôi vẫn còn nhớ rau súp-lơ romanesco ngày đó có giá 120 korun. Thật may là cái quá khứ huy hoàng và đắt đỏ đó đã kết thúc.

Nơi các cửa hàng rau quả của người Việt mọc lên luôn thuộc danh mục “bắt đầu từ con số 0”, và đôi khi thậm chí còn thấp hơn – có khi “bắt đầu từ âm mười”. Bắt đầu việc kinh doanh trên mảnh đất đã nhiều năm cỏ còn không mọc nổi, nơi người Séc đã phá sản bỏ chạy và đôi khi còn nằm đối diện với siêu thị, đó thực sự là một thách thức đối với người Việt Nam. Theo ông Marcel Winter thì người Việt là những thương gia bẩm sinh. “Đừng quên rằng việc buôn bán tư nhân tại Việt Nam chưa bao giờ bị bãi bỏ hoàn toàn như tại CH Séc, vậy nên có thể nói họ có một truyền thống kinh doanh liên tục trong suốt 200 năm qua”. Có lí thuyết cho rằng người Việt Nam thường tìm cửa hàng tại những nơi vắng vẻ, để cho hàng hóa có không gian để thở. Họ không ngần ngại cạnh tranh, mà ngược lại – người Việt sẵn sàng mở một dãy cửa hàng đứng cạnh bên nhau. Cửa hàng đầu tiên sẽ bán táo, cửa hàng thứ hai táo đựng trong túi giấy, và cửa hàng thứ ba táo trong túi giấy có bọc lưới. Hàng hóa của người Việt luôn có giá cả phải chăng, bởi họ biết mua chúng từ nhiều nguồn khác nhau, họ thường xuyên theo dõi giao động giá cả trên thị trường để có thể mua được hàng từ nơi rẻ nhất. Sáng sớm họ mua rau quả tại chợ bán buôn Lipence, tới trưa họ đi xem đồ hạ giá tại Lidl, và đến chiều, họ đã kéo một xe mua hàng nặng trĩu đi ra khỏi Makro.

Tôi không biết họ sẽ còn sẵn lòng chịu đựng công việc vất vả này cho tới khi nào, cũng như ai trong số họ tự nguyện chọn cuộc sống như vậy, và ai bị bắt buộc. Những cửa hàng của người Việt thường giống nhau tới mức chẳng mấy ai dám tin chúng được hoạt động bởi những người khác nhau. Chỉ có một điều tôi biết rất rõ, là ở nơi mà mới 5 năm trước đây còn là một lối đi bẩn thỉu vào khu chung cư, thì ngày nay đã mọc lên một cửa hàng, ở đâu có cửa hàng, ở đó sẽ có khu chợ, và ở đâu có khu chợ, ở đó sẽ sớm có siêu thị. Đó thật không phải là một tin vui với những người bán hàng Séc, nhưng đối với người tiêu dùng, đó thật sự là một tin tuyệt vời.

Nguồn tin: Vietinfo


Xem tin theo ngày: